Sống khỏe

World Cup 2018: Cổ động viên 4 phương thành một nhà

TTO - Họ không mua vé cùng nhau, và thậm chí không quen nhau trước thềm World Cup. Nhưng họ lên mạng xã hội kêu gọi, rủ rê nhau và lập thành những nhóm đông để đi cùng nhau cho rẻ. Bóng đá đã kết nối tất cả.

 World Cup 2018: Cổ động viên 4 phương thành một nhà - Ảnh 1.

Cha con anh Carlos vẫn đến xem World Cup 2018 dù Chile vắng mặt - Ảnh: H.Đ.

Ngày cuối cùng ở Saint Petersburg, tôi ở cùng phòng với Faycal Perrin - một CĐV người Morocco vừa sang Nga.

Perrin chỉ đi một mình, nhưng sẽ sớm hòa cùng 10.000 cổ động viên (CĐV) Morocco dự kiến đặt chân sang Nga mùa hè này.

Lo gì tốn kém!

Perrin khoe với tôi, anh sở hữu cả 3 tấm vé coi các trận vòng bảng của Morocco.

Trận gặp Iran anh mua vé khu hạng 2 trên trang web chính thức của FIFA (giá 165 USD). Nhưng 2 trận sau đó gặp Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Perrin chỉ mua được giá vé khu hạng 3 và lại thông qua các trang bán vé thứ cấp, lần lượt là 375 USD và 467 USD.

Tổng cộng, Perrin tốn hơn 1.000 USD cho vé xem 3 trận.

Nhưng không chỉ vậy, Perrin mất 1.500 USD để mua vé máy bay khứ hồi đến Nga. Anh đặt vé về ngày 8-7, tức sau vòng... tứ kết. "Có hơi quá không nhỉ, Morocco nằm cùng bảng với Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đấy?" - tôi hỏi Perrin.

Anh chàng Morocco tỏ vẻ khá tự ái: "Thì sao nào? Không dễ gì kiếm được vé vào sân ở World Cup. Nếu tôi đặt vé về sớm sau vòng bảng và Morocco đi tiếp, chắc tôi sẽ chết mất. Mất một đống tiền đổi vé ngay trong mùa World Cup còn tốn kém, phiền phức hơn cả việc đặt khách sạn ở lại thêm vài ngày.

Mà ai bảo Morocco không thể tiến xa chứ. Tây Ban Nha có thể là ứng cử viên vô địch hàng đầu, nhưng tôi không tin Bồ Đào Nha có thể thắng được chúng tôi. Morocco sẽ chứng tỏ cho mọi người thấy...".

Perrin là một thợ cơ khí, với mức thu nhập trung bình ở Morocco. GDP đầu người của quốc gia châu Phi này vào khoảng 3.100 USD. Tức mùa World Cup 2018 với Perrin, ít nhất đã tiêu tốn một năm thu nhập của người dân Morocco.

Chưa kể việc nghỉ làm một tháng cũng khiến Perrin gặp không ít khó khăn để thu xếp.

Nhưng những tính toán đó chẳng có nghĩa lý gì với anh chàng thần tượng Mehdi Benatia (đội trưởng Morocco và đang khoác áo Juventus) này.

Morocco từng 4 lần giành vé dự World Cup trước đây, nhưng lần gần nhất đã cách 20 năm - thời Perrin chỉ mới là một cậu bé. Không đến Nga mùa hè này, Perrin sợ anh sẽ bỏ qua cơ hội của cả đời người.

 World Cup 2018: Cổ động viên 4 phương thành một nhà - Ảnh 2.

Nhóm CĐV Argentina của ông Gonzalez ở quảng trường Đỏ - Ảnh: H.Đ.

Có đến 11 quốc gia dự World Cup 2018 nằm ngoài top 60 của bảng xếp hạng GDP. Sự hùng mạnh của nền bóng đá không đồng nghĩa với kinh tế phát triển.

Những quốc gia châu Phi hiển nhiên là nghèo nhất, nhưng Serbia của châu Âu, Peru Nam Mỹ, Mexico Trung Mỹ hay Iran từ châu Á cũng không khá hơn là bao. Và tất cả CĐV các nước này đều tìm mọi cách đến Nga.

Tại quảng trường Đỏ, tôi gặp một nhóm CĐV người Argentina, 14 người. Việc mua vé theo nhóm giúp họ có được vé giá rẻ hơn khoảng 30%.

Cả nhóm ở khách sạn dorm (phòng ngủ giường tầng dành cho nhiều người) và điều này giúp họ tiết kiệm, do giá thuê khách sạn ở Nga rất đắt đỏ.

Gonzalez, CĐV lớn tuổi nhất của nhóm, cho biết ông không có vé xem trận đầu tiên gặp Iceland. Vài người trong nhóm cũng không có vé trận gặp Nigeria hoặc Croatia, chưa kể chỗ ngồi của họ trong trận cũng không cùng một khu.

Họ không mua vé cùng nhau, và thậm chí không quen nhau trước thềm World Cup.

Rất nhiều nhóm CĐV như nhóm của Gonzalez đến World Cup theo cách như vậy. Họ lên mạng xã hội kêu gọi, rủ rê nhau và lập thành những nhóm đông để đi cùng nhau cho rẻ.

Càng đông người thì chi phí đi lại, ăn ở đều được tiết kiệm. Nghề nghiệp của họ rất đa dạng, từ công nhân, thợ xây cho đến tài xế taxi, nhân viên bán hàng...

Bóng đá đã kết nối tất cả bọn họ.

 World Cup 2018: Cổ động viên 4 phương thành một nhà - Ảnh 3.

Cha con anh Carlos vẫn đến xem World Cup 2018 dù Chile vắng mặt - Ảnh: H.Đ.

Sá gì bất ổn!

Khó khăn của những CĐV nhà nghèo là tiền bạc, còn những CĐV giàu có, đến từ các nước lớn, an ninh lại là thách thức chính. Trong một quán rượu, tôi gặp 2 CĐV, Alan Russ người Úc và Peter Perkins người Mỹ. Từng có thời gian làm việc ở Úc nên Perkins quen Russ và khi muốn sang Nga hè này để du lịch, Perkins rủ Russ đi cùng.

Trận đấu đầu tiên cả 2 sẽ xem là Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha ở Sochi. Tại đây, họ xem tiếp trận Bỉ - Panama trước khi đến Samara xem trận Đan Mạch - Úc, và rồi trở lại Matxcơva để chờ đón 2 trận cầu đinh Nigeria - Argentina, Serbia - Brazil. Hành trình vòng bảng của cả 2 đều là những trận cầu quan trọng, có giá vé chợ đen cao ngất ngưởng. Nhưng tiền không phải là vấn đề của Russ cùng Perkins - những nhân viên ngành bảo hiểm của 2 quốc gia thuộc top 10 GDP của thế giới. Thách thức của họ là an ninh.

"Đi 2 người vui và an toàn hơn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Nga, nhưng có lẽ sẽ không có chuyện gì đâu. Các chính trị gia và báo chí thường làm rộn lên mọi chuyện. Tôi từng đến Brazil 4 năm trước rồi, mọi chuyện còn hỗn loạn hơn thế nữa kìa" - Peter nói.

Juan, một CĐV Colombia, thì nói: "Đánh nhau à, đánh nhau càng vui chứ sao. Bóng đá lúc nào chả thế". Anh chàng 27 tuổi người Colombia này thậm chí đến Nga mà chẳng có tấm vé nào. Juan được gia đình cử đi "tiên phong" để săn lùng mua vé chợ đen với giá rẻ. "Đến ngày 15 họ mới sang. Tôi đang tìm mua vé cho 4 người đây. Nếu không có, chúng tôi sẽ ra Fan Fest coi" - Juan nói.

Nếu Juan, Perrin hay Gonzalez sẵn sàng lăn xả vì tinh thần dân tộc, niềm vinh hạnh được theo chân đội tuyển quốc gia của mình ở World Cup, thì vẫn có nhiều CĐV sang Nga hè này thuần vì đam mê bóng đá. Trước sân Krestovsky ở Saint Petersburg, tôi gặp 2 CĐV mặc áo đỏ, in tên Arturo Vidal và Alexis Sanchez - 2 siêu sao của tuyển Chile. Sau vài giây tôi mới sực nhớ Chile không được dự kỳ World Cup này.

"Thật tiếc nhỉ, chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến nghỉ hè từ tận năm ngoái kìa. Không dễ gì để sắp xếp trọn vẹn một tháng nghỉ phép, nên cuối cùng cha con chúng tôi quyết định vẫn sang Nga. Không có Chile thì xem Messi cũng tạm vậy, chúng tôi thích Messi" - người con trai tên Carlos nói.

Cả triệu CĐV đặt chân đến Nga hè này để xem các trận đấu của 32 đội tuyển quốc gia, tốn kém, hiểm nguy, bất ổn vẫn không át được sự hấp dẫn của World Cup!

Mỹ và Brazil dẫn đầu danh sách

Theo thông báo của FIFA trước thềm lễ khai mạc, đã có 2,4 triệu vé được bán cho xuyên suốt 64 trận đấu ở World Cup 2018. Đông nhất hiển nhiên là các CĐV chủ nhà Nga, với 872.000 vé.

Trong khi đó, tuyển Mỹ dù không được dự World Cup 2018 nhưng các CĐV Mỹ vẫn sở hữu đến 88.800 vé.

Kế tiếp là Brazil với 72.500, Colombia (65.200), Đức (62.500), Mexico (60.300), Argentina (54.000), Peru (43.500), Trung Quốc (40.200), Úc (36.300)...

____________

Kỳ tới: Bữa tiệc bóng đá

Người Việt ở Nga mùa World Cup

TTO - Trước khi tôi sang Nga, một người quen dặn dò: "Nếu không có việc gì, tốt nhất đừng đến những khu chợ của người Việt vào mùa này". Vậy mà tôi vẫn tìm đến những người Việt sống tại nước Nga.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,366,635       783