TTO - Chưa bao giờ thuật ngữ AI (artificial intelligence: trí tuệ nhân tạo) lại "nóng" như thời điểm hiện tại.
Học sinh tham gia câu lạc bộ STEM (phương pháp giáo dục liên môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) tại S.hub Kids Đà Nẵng - Ảnh: NGỌC DUNG
Gõ từ khóa "AI" trên Google sẽ có hơn 2 tỉ kết quả được trả về. Đây cũng là chủ đề được bàn tán sôi nổi tại hầu hết hội thảo khởi nghiệp hoặc công nghệ...
Trước những tác động của AI - một xu hướng không thể tránh khỏi thời 4.0, giới trẻ Việt cần lưu ý những gì?
“AI đã len lỏi vô nhiều ngành nghề tại VN, chỉ có điều giá nhân công rẻ hơn robot và thiếu sự đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa áp dụng công nghệ tiên tiến ở các nhà máy VN... khiến bức tranh chưa rõ nét
Bà VŨ THỊ THU HIỀN (giám đốc bộ phận tuyển dụng nhân sự cấp cao Công ty HR2B, tác giả quyển Những yếu tố nhà tuyển dụng quan tâm)
Chỉ tác động mạnh đến quốc gia đã phát triển?
"Tôi nghĩ là AI sẽ tác động mạnh mẽ đến các quốc gia đã phát triển chứ VN là nước đang phát triển thì mọi thứ còn xa lắm" - Minh Tuấn (ĐH Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ về việc ngại đi học những lớp kỹ năng mềm, ngoại ngữ.
Tương tự, Ái Vi (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại Q.1) cho rằng AI sẽ tác động mạnh đến những đối tượng là lao động chân tay chứ khó thể ảnh hưởng đến mình.
Minh Tuấn và Ái Vi không là ngoại lệ. Trong một khảo sát "bỏ túi" được người viết thực hiện trên 20 bạn trẻ từ 16-30 tuổi tại TP.HCM, chỉ khoảng 25% có tìm hiểu về những khía cạnh của AI đến cuộc sống, sự nghiệp của mình.
Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, ông Vũ Thanh Tùng (giảng viên ĐH, dịch giả) cho biết hiện vẫn chưa nhiều trường ĐH có sự chuẩn bị thật sự để giúp sinh viên "đón đầu" AI. "Đây là điều đáng tiếc vì AI là một xu hướng không thể tránh khỏi" - ông Tùng nhận định.
Tuy nhiên ông Tùng cho rằng không thể đổ lỗi cho các trường vì thị trường vẫn còn quá ít các đầu sách, tài liệu... tiếng Việt liên quan đến AI.
Bà Nguyễn Phương Mai (giám đốc điều hành Công ty tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search) chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Theo tôi, hiện tại nếu xét về việc ứng dụng AI thì VN vẫn chưa có chỗ đứng nhất định trên bản đồ toàn cầu. Đó có lẽ là lý do phần lớn người Việt chưa lo ngại việc bị AI chiếm việc".
AI hiện tác động rất nhiều đến cuộc sống chúng ta - Ảnh: Factordaily
Cũng theo bà Mai, nếu cho rằng các nước đang phát triển không quan tâm nhiều đến các công nghệ mới như AI thì chưa đúng, vì điều đó còn tùy thuộc vào định hướng quốc gia và xu hướng các doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ theo lĩnh vực nào. Trong khu vực châu Á, có hai nước đang phát triển được xem là "ngôi sao sáng" ở lĩnh vực công nghệ là Ấn Độ và Trung Quốc.
Đi nhiều sẽ thấy khác
Tại nhiều sân bay trên thế giới, người dân không cần gặp hải quan để làm thủ tục xuất cảnh, mọi thứ do công nghệ xử lý. Ở các khu thương mại tại Úc, Đức, Mỹ..., khách hàng chỉ thao tác với máy móc khi tính tiền mua hàng.
Và AI đã có thể vẽ những bức tranh tuyệt đẹp (theo Bloomberg Businessweek), viết tin tức (theo Washington Post), chấm bài luận tại Mỹ và Trung Quốc, phân tích ung thư não nhanh gấp 1.000 lần so với nhà di truyền học (theo Viện nghiên cứu Rockefeller, Hoa Kỳ)...
Ông Lê Đình Hiếu (đồng sáng lập Học viện G.A.P) cho biết Trung tâm Nghiên cứu Pew (Washington, Hoa Kỳ) đã đưa ra 15 dự đoán về thế giới năm 2025 trong một nghiên cứu mang tên "Digital Life in 2025" (tạm dịch: Cuộc sống kỹ thuật số năm 2025). Một trong 15 dự đoán đó cho rằng Internet vạn vật (Internet of Things), AI... sẽ là các công nghệ làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người hiểu biết về thế giới và hành vi của bản thân.
Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên khi thấy tại các nước tiên tiến, giáo dục đã bắt đầu triển khai các công nghệ nói trên vào trường học nhằm chuẩn bị tốt nhất cho các thế hệ tương lai. Có thể kể đến Viện nghiên cứu Clayton Christensen (ĐH Harvard, Hoa Kỳ) hay hệ thống Trường AltSchool (do Max Ventilla, một cựu lãnh đạo của Google mở)...
Ông Simon Matthews (tổng giám đốc ManpowerGroup VN, Thái Lan và Trung Đông) nói: "Tại VN có thể thấy thời đại số hóa/AI thống trị đang dần ảnh hưởng đến cơ cấu tuyển dụng nhân viên. Các công ty trước đây chỉ tuyển dụng lao động truyền thống (chủ yếu làm công việc tay chân) nay đã trang bị robot để thay thế. Chẳng hạn, gốm sứ Minh Long I đã tận dụng robot và giảm 95% lao động so với trước đây".
Điều đáng lo, theo xếp hạng Đánh giá chỉ số xếp loại lao động (CWI) do ManpowerGroup tiến hành trên 75 quốc gia năm 2016, lao động VN chỉ đứng thứ 45/75 về năng suất lao động, 47/75 về chấp hành kỷ luật lao động... Đây là các lao động dễ bị thay thế bởi AI.
Dự đoán ngành nghề sẽ bị ảnh hưởng
Đầu năm 2018, Bộ Thanh niên và thể thao Malaysia đã công bố hợp tác một chương trình giáo dục tên Digital ILKBS nhằm chuẩn bị tốt nhất cho giới trẻ Malaysia trước 4.0. Tại Hàn Quốc, chính phủ vừa công bố kế hoạch đầu tư 2 tỉ USD cho nghiên cứu, phát triển AI.
Dẫn nghiên cứu của McKinsey, bà Phương Mai cho biết top 10 những lĩnh vực được ứng dụng AI nhiều nhất trên thế giới lần lượt là: công nghệ cao và viễn thông; sản xuất; dịch vụ tài chính; tài nguyên và tiện ích; truyền thông và giải trí; hàng tiêu dùng đóng gói; vận chuyển và hậu cần; bán lẻ; giáo dục; dịch vụ chuyên nghiệp.
Theo bà Mai, VN đứng thứ ba trong lĩnh vực "ứng dụng công nghệ AI" ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau hai nước Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, VN hiện chỉ chú trọng phát triển AI trong hai lĩnh vực công nghệ cao và viễn thông.
Còn ông Trần Trọng Đại (tổng giám đốc Công ty KMS Technology VN) cho rằng ngành CNTT nằm ở vị trí trung tâm của thời đại AI, là nhân tố tạo nên thời đại AI và mang đến sự thay đổi toàn diện ở các ngành khác nên đây là cơ hội rất lớn cho lao động trong ngành tạo ra những công nghệ và công cụ mới để phục vụ cuộc sống và doanh nghiệp. "Việc làm cho ngành theo đó sẽ nhiều và đa dạng hơn" - ông Trọng Đại nói.