TTO - Đó là nội dung trong báo cáo tình hình thị trường bất động sản trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, dự báo các tháng cuối năm của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).
Một điểm giao dịch đất đai ở đường Nguyễn Duy Trinh, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Theo HoREA, thị trường bất động sản TP.HCM 5 tháng đầu năm 2018 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số căn nhà đưa ra thị trường gần 9.200 căn, giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, cơn sốt ảo giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả phân lô đất nông nghiệp trái phép xảy ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành hiện đã được kiểm soát và hạ nhiệt. Phân khúc căn hộ chung cư vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng sốt giá.
Theo dự báo của HoREA, thị trường bất động sản các tháng cuối năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng, vẫn giữ được ổn định và sẽ không xảy ra "bong bóng".
Trong số đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất.
Phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường. Trong khi phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục được kiểm soát và hạ nhiệt.
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch HoREA - cho biết không có khả năng xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2018 do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; công cụ về tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".
Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần quan tâm kiểm soát việc vẫn còn có tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc bất động sản cao cấp, vẫn còn hiện tượng "sốt giá ảo" đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực. Đồng thời, vẫn đang xuất hiện nhiều người đầu cơ, "cò" đất chuyên nghiệp làm giá, thổi giá, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp.
Điều chỉnh bảng giá đất lên 70-80% giá thị trường
Kiến nghị trên được đưa ra tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về định giá và thẩm định giá đất" do Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - môi trường phối hợp với Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT)… tổ chức ngày 14-6.
Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng bảng giá đất do Nhà nước ban hành hiện thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.
Thẩm định viên hoặc cán bộ bồi thường khi định giá thấy rõ bất cập, tuy nhiên do bảng giá đất đã ấn định nên không dám đẩy giá lên cao. Giá đền bù thấp lại tăng nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện.
Các chuyên gia kiến nghị cần phải đưa bảng giá đất lên bằng 70-80% giá thị trường.
Không nên quy định Chính phủ ban hành khung giá đất làm căn cứ để UBND các tỉnh, TP xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Thay vào đó, nên giao trực tiếp cho UBND tỉnh, TP ban hành bảng giá đất dựa trên điều tra, thu thập, khảo sát giá thị trường.