Sống khỏe

Việt Nam khẳng định lập trường chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

TTO - Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Nguyễn Phương Nga khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) và cam kết tôn trọng Công ước Luật biển 1982.

Việt Nam khẳng định lập trường chống khai thác thủy sản bất hợp pháp - Ảnh 1.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Ảnh: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ

Từ ngày 11 đến 14-6, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ đã diễn ra hội nghị lần thứ 28 các quốc gia thành viên Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Tham dự hội nghị có đại diện của hơn 100 quốc gia thành viên UNCLOS, đại diện các cơ quan được thành lập theo công ước, bao gồm: Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS), Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (ISA) và Ủy ban ranh giới thềm lục địa của LHQ (CLCS), cùng đại diện một số tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực biển và đại dương.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội nghị này nhiều nước đã chia sẻ các thách thức mà quản trị đại dương và biển trên thế giới cũng như tại từng nước đang phải đối mặt như: ô nhiễm biển, cạn kiệt tài nguyên, khai thác thủy sản quá mức và bất hợp pháp, biến đổi khí hậu, mực nước biển tăng, suy giảm đa dạng sinh học ở nhiều vùng biển và nhiều thay đổi trong các quá trình sinh hóa ở các tầng biển sâu... 

Cùng với các tranh chấp biển còn tồn tại ở nhiều nơi, các nhân tố trên tác động lớn đến bảo tồn và sử dụng bền vững biển.

Các nước nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí và cam kết trong khuôn khổ Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển, trong đó UNCLOS tiếp tục là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia ven biển.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga - trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ - đã phát biểu, nêu rõ: Là một quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển, đồng thời nhận thức rõ tác động tiêu cực của các tranh chấp biển đảo đến bảo tồn và sử dụng biển bền vững.

"Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực chung của các quốc gia liên quan nhằm xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, trong đó có việc khởi động đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)", đại sứ Phương Nga nói.

"Việt Nam kêu gọi các tất cả các quốc gia thành viên tuân thủ đầy đủ các quy định của công ước, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thúc đẩy sử dụng biển và đại dương một cách bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, tránh các hoạt động đơn phương".

Đại sứ Phương Nga trong phát biểu của mình đã đề cập đến các hoạt động quân sự hoá các cấu trúc đang chiếm đóng, đi ngược lại với mục tiêu của UNCLOS, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên biển, cũng như quyền lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia theo UNCLOS và tiến trình xây dựng các quy tắc ứng xử.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam ủng hộ chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU). Đại sứ cho biết Việt Nam đang khẩn trương tiến hành các thủ tục nội bộ để trở thành thành viên Hiệp định về bảo tồn và quản lý các đàn cá lưỡng cư và di cư xa (UNFSA), Hiệp định về các biện pháp của các quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại và xoá bỏ khai thác IUU (PSMA).

"Công tác phòng chống khai thác IUU cần tính đến hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia, nhất là ở những nước mà việc khai thác thuỷ sản chủ yếu ở quy mô nhỏ và cần bảo đảm cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề cá bền vững và mục tiêu an sinh xã hội, sinh kế cho cộng đồng dân cư ở các vùng duyên hải", đại sứ Nguyễn Phương Nga nói.

Còn nhiều việc làm ở cấp địa phương để giải quyết IUU

Tại một cuộc họp báo ở TP. HCM đầu tháng 6, đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao nỗ lực cấp trung ương của Việt Nam, song cho biết còn nhiều việc phải làm ở cấp địa phương để không tái diễn tình trạng thẻ vàng gây khó khăn cho xuất khẩu hải sản.

"EU nhận thấy ở cấp trung ương của Việt Nam đã có những bước đi tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt tình trạng đánh bắt cá kiểu IUU. Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm và nó chưa thực sự khiến chúng tôi cảm thấy thỏa đáng. Chẳng hạn rất khó kiểm soát đội tàu đánh cá của các địa phương Việt Nam", đại sứ Angelet nói.

Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực năm 2010, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá dưới các hình thức này. Theo quy định này, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt "thẻ vàng" cảnh cáo.

Tháng 10-2017, Việt Nam bị EU phạt vào thẻ vàng với lý do "hành động không đủ để chống lại đánh bắt bất hợp pháp".

EU muốn làm việc với các địa phương Việt Nam chuyện gỡ EU muốn làm việc với các địa phương Việt Nam chuyện gỡ 'thẻ vàng'

TTO - Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao nỗ lực cấp trung ương của Việt Nam, song cho biết còn nhiều việc phải làm ở cấp địa phương để không tái diễn tình trạng thẻ vàng gây khó khăn cho xuất khẩu hải sản.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,364,973       1,234