TTO - Hôm 11-6, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đặt trở lại các bệ phóng tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 14-6, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái này.
Các ảnh chụp vệ tinh do ISI cung cấp ngày 11-6 với các hình ảnh cho thấy hiện trạng trước và sau tại đảo Phú Lâm liên quan tới các tên lửa của Trung Quốc - Ảnh: ISI
Tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ở Hà Nội chiều 14-6, phóng viên đặt câu hỏi về phản ứng của Việt Nam sau khi công ty tình báo của Israel mới đây công bố các bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đã đặt trở lại các bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa đến quần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng và đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải, và hàng không ở Biển Đông.
"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó, rút hết các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam," bà Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn cũng cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phát biểu về việc Trung Quốc triển khai các thiết bị quân sự ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bà Hằng tái khẳng định lập trường nhất quán rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Mọi hoạt động ở hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp và vô giá trị, và vi phạm chủ quyền của Việt Nam," bà Hằng nêu rõ.
Trước đó, hôm 11-6, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin rằng ImageSat International (ISI) - một công ty tình báo của Israel - đã công bố các bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Bắc Kinh đã đặt trở lại các bệ phóng tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa sau khi đã rút chúng đi trước đó.
Theo công ty ImageSat International, các hình ảnh cho thấy đó là hệ thống tên lửa đất đối không, một trong số đó là tên lửa HQ-9.