TTO - Trước khi tôi sang Nga, một người quen dặn dò: "Nếu không có việc gì, tốt nhất đừng đến những khu chợ của người Việt vào mùa này". Vậy mà tôi vẫn tìm đến những người Việt sống tại nước Nga.
Một quán ăn có tên Việt Nam được viết theo chữ cái của Nga - Ảnh: H.Đ.
Hi vọng World Cup sẽ giúp chúng tôi có nhiều khách hơn
Chị Quyên
Những khu chợ bất an
Có cả chục ngàn người Việt ở Matxcơva và công việc của họ phần lớn là buôn bán. Cách đây 10 năm, việc tìm kiếm người Việt ở đây rất dễ. Chỉ việc đi tới chợ Vòm là gặp, có đến cả ngàn gian hàng của người Việt ở đây.
Nhưng chợ Vòm ngày nay đã đóng cửa, các thương lái người Việt cũng sơ tán đi khắp nơi. Chợ Liublino (Liu) được xem là khu vực đông đúc người Việt buôn bán nhất. Và cũng như nhiều khu chợ khác ở nước Nga, nơi đây rất phức tạp.
Đi tàu điện ngầm gần cả giờ từ khu vực trung tâm Matxcơva, tôi mới đến được Liublino. Chẳng khó khăn gì để tìm ra khu chợ có diện tích hàng chục hecta nằm ngay giao lộ hai con đường lớn Belorechenskaya và Krasnoda này.
Vừa bước vào chợ, tôi bị chặn lại để lục soát đồ. Các nhân viên coi chợ nằng nặc làm khó dễ khi thấy bên trong là một chiếc máy ảnh chuyên dụng.
Sau một hồi khổ công giải thích rằng mình chỉ là khách du lịch, máy ảnh là vật bất ly thân, tôi cũng được cho vào chợ với cam kết không chụp ảnh.
Vào được chợ rồi, tôi đi tìm một số gian hàng của người Việt đã được người quen giới thiệu từ trước.
Chợ chẳng khác gì một mê cung. Có khoảng 20 dãy lớn được đặt tên theo bảng chữ cái và mỗi dãy có đến hàng trăm gian. Tìm ra một gian cố định không dễ chút nào. Nhưng sau cùng tôi cũng tìm được sạp của vợ chồng anh Hoàng Long - những người có thâm niên buôn bán ở đây cả chục năm.
Trái với bầu không khí nặng nề khi mới bước vào chợ, chào đón tôi là những cái tay bắt mặt mừng. Giống như mọi người Việt xa quê khác, vợ chồng anh Long rất vui khi gặp được đồng hương.
"Tôi sang đây gần 20 năm rồi, cũng làm đủ nghề trước khi vào chợ buôn bán đấy chứ. Việc buôn bán của tôi khá tốt, từ một sạp đã lên được hai sạp. Hiện tôi đã mua được nhà ở Matxcơva, nằm khá gần khu vực trung tâm" - anh Long kể.
Người đàn ông 37 tuổi này là hình mẫu của những người Việt sang Nga và khá thành công. Một sạp hàng ở chợ Liu không hề rẻ. Những sạp nằm trên lầu giá thuê vào khoảng 300.000 rúp/tháng (khoảng 5.000 USD/tháng), còn rạp ở dưới trệt có thể lên đến 1 triệu rúp/tháng (khoảng 16.000 USD/tháng)
Cuộc sống của người Việt trong khu chợ này khá phức tạp. Người làm giàu nhanh, người thì chóng phá sản. Khi chợ Vòm bị chính phủ dẹp cách đây nhiều năm, hàng ngàn người Việt điêu đứng vì mất kế sinh nhai. Họ còn lỗ nặng vì trót bỏ tiền mua đứt vài sạp quần áo trong chợ.
Chợ Liu bây giờ cũng vậy. Tuy làm ăn khá tốt, nhưng mọi thương lái đều trong cảnh phập phồng lo sợ. Suốt một năm qua, người dân Nga nhiều lần biểu tình kêu gọi chính phủ dẹp khu chợ này vì gây cản trở giao thông ở khu vực quan trọng.
Sau một hồi nói chuyện, anh Long dẫn tôi lên tìm một quán ăn trong chợ có tên Thăng Long. Quán bán rất nhiều món ăn quen thuộc ở VN như cá kho, thịt kho, chả giò, phở, miến xào... và giá dao động vào khoảng 500 rúp/thực khách, rẻ hơn một chút so với các nhà ăn ở trung tâm Matxcơva.
Anh Hoàng Long (đứng giữa) bán hàng - Ảnh: H.Đ.
World Cup không ảnh hưởng
Rời Liu, chúng tôi lên đường sang Incentra - tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcơva ở phía bắc Matxcơva. Khu tổ hợp này bao gồm trung tâm mua sắm và khu chung cư, được xây dựng từ năm 2010, trước khi khánh thành năm 2013.
Khác với chợ Liu, mọi sinh hoạt ở đây đều hợp pháp và chính thức. Không có gì phải e ngại cho việc chụp ảnh, chỉ là gần như không có gì để chụp tại đây.
Hoàn toàn trái với khung cảnh sầm uất ở Liublino, tòa nhà thương mại Incentra vắng tanh. Giống như những trung tâm thương mại khác, Incentra chia làm nhiều tầng và bày bán những mặt hàng lưu niệm, quần áo, đồ gia dụng, điện tử...
Ở tầng trên cùng là khu ăn uống. Du khách có thể tìm thấy phở, bánh hỏi, cơm tấm đến các món chè ở đây. Nhưng chỉ loe hoe vài thực khách giữa hàng trăm bàn ghế.
Một người VN giải thích với tôi Incentra được xây dựng khá gần với khu chợ Vòm trước đây. Chợ Vòm vỡ, rồi Incentra cũng rơi vào cảnh ế ẩm khi các thương lái Việt tỏa đi khắp Matxcơva.
So với thu nhập khá thấp của dân lao động, tòa nhà thương mại này là khá xa xỉ nên cả người địa phương cũng không vào.
Mùa World Cup liệu có cải thiện tình hình làm ăn nơi đây? Có lẽ là không. Incentra nằm quá xa khu trung tâm thành phố. Cả chợ Liu cũng vậy, nơi đây chủ yếu bán hàng sỉ nên cũng không phải là địa điểm cho du khách.
So với Liublino, khu chợ Apraksin ở Saint Petersburg dường như chào đón bầu không khí World Cup tích cực hơn. Cộng đồng người Việt ở thành phố du lịch lừng danh này ít ỏi hơn nhiều so với Matxcơva, nhưng phần lớn người dân VN cũng tụ tập ở các khu chợ.
Nằm ngay gần trung tâm thành phố, chợ Apraksin đón khá nhiều du khách. Mùa World Cup với chợ vì thế tràn đầy không khí háo hức.
Chủ một sạp hàng của người Việt trong chợ Apraksin là một phụ nữ 50 tuổi tên Quyên tươi cười chào đón chúng tôi.
Giống như những thương lái ở Matxcơva, cô Quyên đã sang Nga từ khoảng 30 năm trước và lập gia đình tại đây. Từng có nhiều năm trở về VN làm nghề giáo viên ở Thái Nguyên, nhưng cô Quyên quyết định trở lại Nga cách đây 6 năm để tiếp tục công việc mua bán của gia đình.
"Hi vọng World Cup sẽ giúp chúng tôi có nhiều khách hơn" - cô Quyên nói.
Khu ăn uống của tòa nhà thương mại Incentra - Ảnh: H.Đ.
Mua vé xem World Cup
Là một người yêu bóng đá cuồng nhiệt, anh Hoàng Long "chịu chơi" chẳng kém CĐV các nước khác khi đã mua sẵn vé của 5 trận đấu để người trong gia đình đi xem.
Không giống như nhiều CĐV VN khác, toàn bộ vé của anh Long đều được mua trên website chính thức của FIFA.
"Đúng là hơi khó mua thật, vì FIFA chỉ công bố ngày bán chứ không nói cụ thể giờ giấc. Tôi đọc được các trang thông tin tiếng Nga nên biết rõ ngày nào, giờ nào FIFA bắt đầu mở các phiên bán vé. Nhờ vậy tôi mua được khá nhiều vé với giá gốc, giá như vậy cũng không quá đắt với người dân Nga" - anh Long cho biết.
Trước World Cup 2018, anh Long còn từng lặn lội sang Trung Quốc xem trận chung kết U-23 châu Á lịch sử giữa VN và Uzbekistan.
Kỳ tới: World Cup vẫn hấp dẫn CĐV