Sống khỏe

'Xin lỗi' và 'Cảm ơn', có khó nói lắm không người Việt ơi?

TTO - Theo bạn đọc Nguyễn Bình Đông, rõ ràng, người Việt chưa có thói quen dùng cặp từ "xin lỗi" và "cảm ơn" trong giao tiếp ứng xử. Trong khi đó, với người nước ngoài, họ sử dụng chúng như những ngôn ngữ "ma thuật". Làm sao để khắc phục?

Xin lỗi và Cảm ơn, có khó nói lắm không người Việt ơi? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm một góc nhìn về văn hóa ứng xử của người Việt, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến của bạn đọc này.

"Trước hết, tôi đồng tình với bạn Kim Cương trong bài viết "Khi có mâu thuẫn, người Việt lớn tiếng khủng khiếp".

Khi vào đại học tôi phải qua lại phà Cần Thơ rất thường xuyên (vì lúc đó chưa có cầu Cần Thơ). Thời gian chờ đợi phà khá lâu. Ai may mắn thì gặp ngay lúc phà vừa cập bến, còn không thì phải chờ chuyến phà tiếp theo. Do đó, ai nấy đều tranh thủ di chuyển thật nhanh để kịp lên phà.

Chuyến phà hôm tôi đi có nhiều xe cộ và hành khách. Vì đông người và khá chật chội nên có một anh dựng chân chống xe lên bàn chân của tôi. Theo phản xạ tự nhiên tôi la lên "ui da".

Thấy vậy, anh nghiêng xe cho tôi rút chân ra rồi thản nhiên bỏ lên tầng trên ngồi như không có chuyện gì xảy ra, không hề có một lời "xin lỗi"!.

Lần khác, khi đang dừng đèn đỏ, tôi tình cờ nhìn thấy chân chống xe của người thanh niên đậu phía trước chưa gác lên. Khi tôi chưa kịp nhắc thì anh đã chạy đi. Tôi vội chạy theo để nhắc anh gác chân chống lên kẻo nguy hiểm khi chạy xe.

Rất may, đến đèn đỏ tiếp theo tôi đã đuổi kịp. "Anh ơi! Anh chưa gác chân chống xe" - tôi hô to. Thế là anh dùng chân khều chân chống lên và đề xe chạy ngon lành mà không thèm ngoái lại nhìn hay nói một lời "cảm ơn" người đã nhắc nhở mình.

Đó là hai trong số rất nhiều tình huống tôi trực tiếp chứng kiến cái cách mà người Việt ứng xử với nhau trong cuộc sống. Thật đáng buồn làm sao!

Rõ ràng, người Việt chưa có thói quen dùng cặp từ "xin lỗi" và "cảm ơn" trong giao tiếp ứng xử. Trong khi đó, với người nước ngoài, họ sử dụng chúng như những ngôn ngữ "ma thuật".

Chẳng hạn: "Xin lỗi, tôi có thể giúp gì cho bạn". Khi đi trên đường cũng thường bắt gặp các biển báo, băng rôn với nội dung "Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này", "Xin lỗi chúng tôi đã làm phiền các bạn", hay "Chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào", v.v. theo phong cách ứng xử của người nước ngoài.

Nếu nói văn hóa ứng xử của người Việt hiện nay vẫn ổn thì khó mà được người ta chấp nhận. Liệu nó đang xuống cấp trầm trọng?

Tôi cho rằng nó cũng không đến mức nghiêm trọng đến như vậy. Bởi thi thoảng vẫn nghe thấy người ta bày tỏ sự hối lỗi khi phạm sai lầm, khuyết điểm và biết cảm ơn khi có ai đó giúp đỡ mình, quan tâm đến mình.

Giới trẻ hiện nay, nhất là học sinh sinh viên, khi kết thúc buổi báo cáo học thuật đều không quên câu cửa miệng "Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!".

Vấn đề là cần rèn luyện cho các bạn trẻ thói quen này trong giao tiếp ứng xử ở nhà trường và ngoài xã hội. Biết nói "xin lỗi" và "cảm ơn" không những thể hiện là người có văn hóa mà hơn hết nó còn thể hiện tính "chân - thiện - mĩ" trong mỗi con người."

Làm sao tạo được thói quen nói lời 'xin lỗi và cảm ơn' cho người Việt? Theo bạn, văn hóa ứng xử của người Việt vẫn ổn hay đang xuống cấp trầm trọng? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

'Khi có mâu thuẫn, người Việt lớn tiếng khủng khiếp'

TTO - 'Những quốc gia phát triển từ 'xin lỗi, cảm ơn" được dùng hàng giờ, ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, ở VN cụm từ này ít người dùng đến. Thậm chí, có cảm giác người Việt nói cho đã miệng mà ít quan tâm đến cảm xúc người khác'.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,369,331       611