Sống khỏe

Hạ huyết áp bằng cách ấn huyệt

TTO - Tăng huyết áp (cao huyết áp) là một yếu tố nguy cơ chính gây tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận mãn... thậm chí gây đe dọa tính mạng con người nếu không theo dõi và điều trị kịp thời.

Hạ huyết áp bằng cách ấn huyệt - Ảnh 1.

BS Phan Quốc Hưng ấn huyệt cho bệnh nhân - Ảnh: H.Phương

Đây là bệnh lý nguy hiểm, được mệnh danh "sát thủ thầm lặng", vì thông thường bệnh cao huyết áp không có dấu hiệu rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển hoặc khi người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Biện pháp ổn định huyết áp tại chỗ theo y học cổ truyền (YHCT) sẽ là một phương pháp tự nhiên, cần thiết đối với người có bệnh về huyết áp.

Tăng huyết áp theo Đông y

BS CKI Phan Quốc Hưng, phó trưởng khoa nội tổng hợp - châm cứu và dưỡng sinh (thuộc Viện Y dược học dân tộc TP.HCM), cho biết Đông y không có thuật ngữ tăng huyết áp, cũng chưa có tiêu chí tương đương để diễn tả tình trạng bệnh lý này. 

Tuy nhiên những triệu chứng xuất hiện khi tăng huyết áp như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp đánh trống ngực, đau ngực... được Đông y mô tả trong phạm vi các chứng như: "đầu thống" "huyễn vựng", "tâm quý, chính xung", "tâm thống"..

Tăng huyết áp gây ra bởi ba nguyên nhân như: tình chí (vui, buồn, stress, căng thẳng, giận dữ, kinh sợ); những người ăn uống không điều độ (ăn quá mặn, nhiều chất béo, bia, rượu) và người lao lực quá độ hoặc bệnh lâu ngày ảnh hưởng chức năng tạng phủ gây nên tình trạng rối loạn chức năng. 

Ngoài ra, thể đàm thấp hay gặp ở người béo phì tăng cholesterol máu và các nguyên nhân trên lâu ngày làm cho các tạng tâm tỳ can thận mất điều hòa gây ra bệnh theo y học cổ truyền.

Căn nguyên của nhiều chứng bệnh

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay - khoa y học cổ truyền (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM): về cấu tạo tổ chức cơ thể cũng như trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể người là sự cân bằng của hai mặt âm dương. "Các bộ phận trong cơ thể có liên hệ gắn bó chặt chẽ với nhau theo quy luật tương sinh, tương khắc... Do đó, nếu bệnh tật một nơi không được điều trị sẽ ảnh hưởng dẫn đến bệnh lý ở các nơi khác trong cơ thể.

Ở đây, nếu bệnh tăng huyết áp không điều trị sẽ dẫn đến âm dương lưỡng hư, tức là giai đoạn nặng của bệnh. Cơ thể người sẽ suy nhược, các cơ quan không duy trì được chức năng hoạt động bình thường sẽ phát sinh nhiều triệu chứng bệnh lý nặng nề, có thể dẫn đến âm dương hư thoát (tử vong)" - PGS.TS Nguyễn Thị Bay chia sẻ.

Phương pháp day ấn huyệt

Huyết áp tăng rất khó kiểm soát, phương pháp day ấn huyệt là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện tại nhà có thể giúp giảm huyết áp tạm thời trong các trường hợp cấp cứu chờ nhân viên y tế đến. Ngoài ra, biện pháp này sử dụng hằng ngày đối với người bị cao huyết áp cũng giúp ổn định huyết áp hiệu quả.

Bác sĩ Phan Quốc Hưng chia sẻ 5 bước thực hiện phương pháp day ấn huyệt giúp giảm huyết áp khi huyết áp tăng:

Bước một - miết trán, người bệnh sử dụng ngón trỏ và ngón giữa miết từ giữa trán ra hai bên (thực hiện 20-30 lần/động tác).

Bước hai - chải tóc, người bệnh dùng 5 đầu ngón tay chải từ chân tóc trán lên đầu dọc ra sau gáy (20-30 lần/động tác).

Bước ba - day ấn huyệt, người bệnh có thể ấn vào các vị trí huyệt như: ấn đường (vị trí nằm giữa hai đầu lông mày), thái dương (vị trí lõm giao điểm của đuôi lông mày và đuôi khóe mắt), bách hội (vị trí huyệt gấp hai vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào đó thấy một khe xương lõm xuống)... Người bệnh có thể thực hiện khoảng 1-2 phút/huyệt.

Bước bốn - người bệnh dùng tay xoa bụng 2 phút theo chiều kim đồng hồ.

Bước năm - xoa huyệt dũng tuyền hai bên cho nóng lên bằng cách dùng mu bàn tay (vị trí huyệt nằm dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2 và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân).

Có nhiều cách điều trị

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bay, tùy theo điều kiện của từng người bệnh và nguyên nhân mà chọn phương pháp điều trị thích hợp để có kết quả tốt.

Theo dõi huyết áp phải được đo thường xuyên bằng máy đo huyết áp. Nên đến BS khám để được theo dõi và chỉ định dùng thuốc hay không dùng thuốc để điều trị.

Tuyệt đối không tự ý chọn dùng các phương pháp mà không có sự chỉ dẫn của thầy thuốc, để bảo vệ sức khỏe của mình.

Có nhiều cách để điều trị như dưỡng sinh (chế độ ăn uống, tập luyện và tâm lý - thái độ tinh thần trong cuộc sống), châm cứu (xoa - bấm huyệt giúp cân bằng âm - dương).

Nếu dùng thuốc thì dùng dược liệu được thầy thuốc kê đơn.

Hạ huyết áp với chế độ ăn nhiều kali, ít đường Hạ huyết áp với chế độ ăn nhiều kali, ít đường

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn mất cân đối về lượng natri và kali mới thực sự là nguyên nhân gây tăng huyết áp.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,209,275       536