Sống khỏe

Giao dịch đất đai giảm sau 'cơn sốt', tranh chấp khiếu kiện tăng

TTO - Sau “cơn sốt” kéo dài nhiều tháng, hiện giao dịch đất nền trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận chững lại. Tình trạng "đóng băng" này cũng đang diễn ra tại Phú Quốc, Vân Phong ngay sau khi Quốc hội tạm dừng thông qua Luật đặc khu.

Giao dịch đất đai giảm sau cơn sốt, tranh chấp khiếu kiện tăng - Ảnh 1.

Đìu hiu ở một dự án khu dân cư đang được xây dựng cơ sở hạ tầng tại xã Lộc An (Long Thành, Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC

Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy đã không còn cảnh những chuyến xe ùn ùn chở khách đi xem, mua đất tại các dự án ven Sài Gòn. 

Vắng khách hỏi mua

Tại TP.HCM, khu vực trục đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2) kéo dài xuống đường Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp... (Q.9), nhiều công ty bất động sản (BĐS) đã "rút" bớt nhân viên môi giới tại các dự án phân lô bán nền. 

Từ giữa năm 2017, đầu 2018, khu vực này là trục đường mua bán đất nền sôi động bậc nhất TP.HCM.

Ông Ngọc, giám đốc một công ty môi giới đất nền tại Q.2 và Q.9, cho biết: "Giao dịch giảm đến không ngờ, từ 10 giao dịch/tháng nay cố lắm được 2 giao dịch thành công là mừng lắm rồi". 

Theo ông Ngọc, khi giá bị đẩy lên quá cao, người đầu tư, nhất là những người "lướt sóng", sẽ cân nhắc khi mua. 

Thời điểm này người mua hầu hết là người ở thật. Họ chỉ chọn những khu vực đã có dân cư, dự án đẹp, pháp lý an toàn để mua chứ không còn cảnh lao vào mua như những tháng trước đây.

Giao dịch đất đai giảm sau cơn sốt, tranh chấp khiếu kiện tăng - Ảnh 2.

Tại H.Củ Chi, việc mua bán đất nền cũng đồng loạt chững lại. Bà Vân - một người môi giới nhà đất ở Củ Chi - cho biết từ khi thị trường BĐS bắt đầu "ấm lại" năm 2015, giá nhà đất tùy từng khu vực đã tăng lên từ 50-150%, thậm chí có lúc đất ở đây bị đẩy lên 200% nhưng vẫn có người lao vào mua, giờ thì ngồi "ôm đất" lo lắng. 

"Tuy giá không giảm bao nhiêu nhưng không một giao dịch nào thực hiện thành công. Mọi người vẫn đang thăm dò biến động của thị trường" - bà Vân nói.

Tương tự, tại các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An), các giao dịch BĐS cũng trầm lắng. 

Ghi nhận ở các trung tâm tư vấn, mua bán nhà đất trên trục quốc lộ 50, xã Tân Kim, H.Cần Giuộc... gần như vắng khách. 

"Ai ghé vào cũng chủ yếu hỏi để đặt bán đất, chứ cả tuần nay không một giao dịch nào thành công. Hiện giá đất giảm khoảng 10% so với một tháng trước đó" - anh Nguyễn Hoàng, chủ một trung tâm tư vấn nhà đất tại khu vực này, cho hay.

Theo ông Phạm Tùng Chinh - giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Long An: "Hồ sơ đăng ký giảm hơn 15% so với một tháng trước đây. 

Như Đức Hòa, mỗi tháng vào thời điểm sốt đất có khoảng 300 hồ sơ đăng ký nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 250 hồ sơ. Các huyện Cần Giuộc, Bến Lức... cũng giảm tương tự".

Trong khi đó tại H.Long Thành (Đồng Nai), trên trục đường Lộc An - Long Đức đã không còn cảnh chèo kéo người mua đất như trước. Hàng loạt băngrôn, văn phòng giao dịch BĐS đã đóng cửa..., tất cả đều vắng lặng, buồn thiu. 

Chị Thanh, một nhân viên môi giới BĐS ở H.Long Thành, cho biết 3 tháng đầu năm lượng khách đến giao dịch rất đông nhưng một tháng qua khách thưa dần. 

Lý do theo chị Thanh: nhiều công ty môi giới hưởng hoa hồng của chủ đầu tư đã rao bán nền dự án, lấy tiền cọc nhưng hứa hẹn giao nền, giao sổ không đúng như cam kết nên đã xảy ra kiện tụng.

"Giờ khách đi mua rất thận trọng, phải thấy được hạ tầng dự án, có sổ hồng mới đặt cọc" - chị Thanh nói. 

Ông Minh - một người chuyên môi giới đất phân lô, bán nền ở xã Tây Hòa, H.Trảng Bom - cũng cho hay: "Mấy tuần nay người đến hỏi mua giảm mạnh lắm. Cả tháng nay mà bán chỉ được mấy lô".

Giao dịch đất đai giảm sau cơn sốt, tranh chấp khiếu kiện tăng - Ảnh 3.

Một dự án tại Long Thành (Đồng Nai) đã dừng xây dựng cơ sở hạ tầng (ảnh chụp sáng 13-6) - Ảnh: A LỘC

Phát sinh đủ kiểu tranh chấp

Trong cơn say "lướt sóng" mua bán đất nền, nhiều người lao vào mua theo tâm lý đám đông không để ý đến quy hoạch, pháp lý dự án, đến khi đất nền bán ra không được thì bắt đầu xảy ra tranh chấp.

Đơn cử như trường hợp của bà N.T.H. (Q.Bình Thạnh). Đầu năm 2017, nghe lời một công ty môi giới BĐS tại Q.10 (TP.HCM), bà H. tìm mua 2 lô đất nền tại một dự án ở Bến Lức (Long An) với giá 1,4 tỉ đồng chia làm 2 đợt đóng. 

Tuy nhiên sau khi đóng xong đợt 1, bà H. mới biết công ty này chỉ là công ty môi giới. Không chỉ bà H. mà rất nhiều khách hàng cũng "dính" chiêu trò của công ty môi giới nói trên. 

Không đòi được tiền, sổ đỏ cũng không thấy, bà H. cùng nhiều người đành phải làm đơn tố cáo đến công an, một số khác thì gửi đến tòa án... nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cũng như bà H., cuối tháng 1-2018 bà L.T.N. được một công ty môi giới cho xe đến tận nhà đón chở đến Long Thành (Đồng Nai) xem đất nền. 

Tại đây bà N. được giới thiệu mỗi nền đất có giá 700 triệu đồng/100m2. Khách hàng chỉ thanh toán 30%, số còn lại trả góp trong bảy đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng. 

Thấy "ngon ăn" nên bà N. quyết định mua ngay 2 nền đất. Để bà tự tin xuống tiền, môi giới còn "dụ dỗ" sau này khách hàng khó khăn có thể làm đơn xin giãn tiến độ thanh toán. 

Tuy nhiên, đóng xong hai đợt thì thị trường BĐS chững lại, đất nền bán ra khó khăn. 

Do không đủ tiền thanh toán đợt mới, bà N. làm đơn xin chủ đầu tư kéo giãn tiến độ nhưng không được đồng ý. Ngược lại, nếu bà chậm đóng tiền sẽ bị công ty hủy hợp đồng. 

Giọng đầy xót xa, bà N. bảo: "Nếu vài tháng tới thị trường tiếp tục đóng băng thì tôi đành phải bán chịu lỗ chứ không đủ khả năng chi trả lãi suất ngân hàng".

Giao dịch đất đai giảm sau cơn sốt, tranh chấp khiếu kiện tăng - Ảnh 4.

Người mua nên cẩn trọng

Theo nhận định của ông Trần Khánh Quang - chủ tịch Hội Cà phê bất động sản TP.HCM: việc giao dịch chậm lại có thể kéo dài hết quý, sau đó tùy tình hình kinh tế, thị trường giao dịch mà giá đất nền sẽ tăng hoặc giảm. 

Có thể sau một thời gian "ngâm hàng" chờ tăng giá nhưng thị trường không biến chuyển thì giới đầu tư cũng buộc phải bán ra do không chịu "nóng" nổi. 

Do vậy, thời điểm hiện nay người dân nên hạn chế mua đất nền đầu tư, đặc biệt đầu tư "lướt sóng".

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - tài chính: giá đất nền hiện chững lại là do nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo với người dân về "cơn sốt" đất nền. 

Việc giá đất nền có giảm xuống hay không còn tùy thuộc vào từng khu vực. Đối với những khu vực thật sự có tiềm năng, hạ tầng tốt, xung quanh có nhiều dự án lớn thì giá đất sẽ ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ. 

Còn những vùng chưa có hạ tầng, bị "thổi giá" thì khả năng giá sẽ giảm nặng. 

Ông Hiếu cũng nhận định nếu thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng "phi mã" như đầu năm thì "bong bóng" BĐS chắc chắn sẽ vỡ. 

Do vậy, người dân mua đất thời điểm này cần cân nhắc, tham khảo kỹ thông tin quy hoạch, kết nối hạ tầng trước khi xuống tiền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết hiện nay những khoản cho vay mua nhà, đất, sửa chữa nhà mà người vay trả nợ bằng lương đều được các ngân hàng xếp vào cho vay tiêu dùng chứ không đưa vào BĐS. 

Do vậy khó thống kê chính xác đã có bao nhiêu vốn đổ vào BĐS. Thời gian qua giá đất liên tục tăng, thị trường BĐS rất sôi động khiến nhiều người có nhu cầu vay để đầu tư kiếm lời. 

Các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này vì lãi suất cho vay cao hơn các lĩnh vực khác.

Hàng trăm đơn thư tố cáo gửi đến công an

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, hiện đơn vị này đã nhận được hơn 100 đơn tố cáo liên quan đến các dự án phân lô bán nền của các công ty có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hiện Công an TP.HCM đã ủy thác cho Công an Đồng Nai điều tra nhiều dự án liên quan đến loạt công ty BĐS như Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát, Công ty TNHH Lê Hương Sơn, các công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát, Đại Phúc, Lê Bảo Minh, Công ty cổ phần Long Thuận Lộc, Công ty Long Đức Urban Land...

Bước đầu cho thấy có một số công ty xin dự án nhưng khi chưa được cấp phép đầy đủ đã ký thỏa thuận với các công ty kinh doanh BĐS bằng hợp đồng riêng.

Tiếp đó, những công ty môi giới BĐS này photocopy tên dự án, mô hình dự án đưa lên sàn rao bán nhưng thực tế có những dự án chưa đền bù hoặc chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, bán cho người dân để ăn phần trăm theo thỏa thuận đơn vị được giao dự án.

Có trường hợp đơn vị môi giới làm trái cam kết với chủ đầu tư nhưng nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền của khách hàng và có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản...

Hiện có rất nhiều khách hàng đầu tư đất nền ở Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom do không nắm rõ hoặc nghe theo các chiêu trò khuyến mãi đã bị mắc bẫy...

Cụ thể, như Công ty Việt Hưng Phát tư vấn sai sự thật về dự án Diamond City ở xã đồi 61 (Trảng Bom).

Hay dự án khu dân cư theo quy hoạch ở H.Trảng Bom là do Công ty địa ốc Long Kim Phát làm chủ đầu tư nhưng đã ký kết hợp đồng với Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát để bán đất nền, thực hiện không đúng cam kết khiến khách hàng tố cáo...

Bán đất, coi chừng Bán đất, coi chừng 'dính bẫy' đặt cọc

TTO - Thông thường, khi mua bán nhà đất, hai bên thỏa thuận một khoản đặt cọc để bảo đảm giao dịch không bị "bẻ kèo" giữa chừng. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp trục trặc vẫn cứ xảy ra và món tiền cọc chính là miếng mồi...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,209,927       412