Sống khỏe

Tìm cách sửa sai giấc mộng 'Bắc tiến' cho vàng trắng

TTO - Giấc mộng đổi đời từ vàng trắng đã đưa cây cao su "Bắc tiến". Nhưng cây cao su kỵ bão nên dân miền Bắc miền Trung chỉ biết khóc ròng, chưa kể giá mủ đi xuống. Vậy là phải tìm cách sửa sai.

Tìm cách sửa sai giấc mộng Bắc tiến cho vàng trắng - Ảnh 1.

Cây cao su tại Quảng Bình bị gãy đổ hàng loạt sau trận bão vào năm 2017 - Ảnh: Q.NAM

Sau một thời gian quy hoạch phát triển đại trà cây cao su, các tỉnh khu vực miền Trung đang tìm cách sửa sai do cây cao su không thích hợp với những diễn biến khó lường của thời tiết, cũng như thị trường cho sản phẩm cao su gặp khó khăn.

Không chỉ hàng ngàn hecta cây cao su bị gãy đổ do mưa bão, giá mủ cao su xuống thấp suốt một thời gian dài khiến doanh nghiệp và người dân trồng cao su thua lỗ nặng cũng là yếu tố buộc các địa phương khu vực này thu hẹp dần diện tích cao su.

Thu hẹp diện tích, chuyển đổi cây trồng

Thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vốn trước đây được xem như là vương quốc cao su với hơn 3.000ha và hơn 1.000 công nhân lao động. 

Sau hai cơn bão lớn năm 2013 và 2017, diện tích cao su của nông trường này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 2.200ha. Số công nhân của nông trường cũng phải cắt giảm xuống chỉ hơn 700 người.

Ông Phan Văn Thành, giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Trung, cho biết sau nhiều năm gắn bó với cây cao su, công ty đang phải tính phương án tự quy hoạch lại diện tích cho phù hợp với sự thay đổi của thời tiết. 

Kế hoạch dài hạn của công ty sẽ chỉ còn lại khoảng 1.000ha cao su. Diện tích còn lại sẽ phải chuyển đổi qua trồng cây khác.

Bởi nếu không có phương án thay thế, cuộc sống của số công nhân này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

"Trước đây khi thời tiết còn ít biến động thì cây cao su còn sống được. Nay biến đổi khí hậu làm thời tiết thay đổi nhanh quá. Không thể trông chờ vào cây cao su được nữa. Nên phải chuyển đổi mới tồn tại được" - ông Thành nói.

Ông Phan Văn Khoa - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình - cho biết theo quy hoạch phát triển cây cao su của địa phương này đến năm 2020, diện tích cao su toàn tỉnh đạt 23.000ha. 

Tuy nhiên, mới đây tỉnh này đã lập đề án điều chỉnh quy hoạch này theo hướng giảm diện tích trồng cao su toàn tỉnh xuống dưới 15.000ha.

Theo ông Khoa, việc điều chỉnh này là để hạn chế những rủi ro do tình hình thời tiết ngày càng bất thường. 

"Chậm nhất là trong năm nay đề án sẽ được thực hiện. Bão lớn liên tiếp mấy năm qua đã làm người trồng cao su khóc quá nhiều rồi. Đã đến lúc phải tính toán lại để hạn chế bớt những rủi ro. Những vùng nào dễ bị ảnh hưởng bởi gió bão sẽ phải chuyển đổi qua những loại cây trồng khác phù hợp hơn" - ông Khoa nói.

Từng quy hoạch diện tích cao su lên tới 53.900ha nhưng đến năm 2016, tỉnh Quảng Nam điều chỉnh quy hoạch này với diện tích cao su chỉ còn 16.000ha, với lý do giá mủ cao su xuống quá thấp trong giai đoạn từ 2014 - 2016. 

Tuy nhiên đến đầu 2017, diện tích thực tế đã trồng chỉ đạt 13.200ha và tỉnh đã yêu cầu giữ nguyên diện tích này, không mở rộng thêm.

Nhiều hệ lụy

Giải thích lý do phải liên tục điều chỉnh giảm diện tích trồng cao su, ông Lê Minh Hưng - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam - cho rằng thổ nhưỡng của các vùng được đưa vào trồng cao su khá phù hợp, nhưng địa phương không lường trước được những diễn biến tiêu cực của thị trường, giá mủ cao su đứng ở mức quá thấp trong một thời gian dài khiến loại cây trồng này không còn hấp dẫn. 

"Thực tế cho thấy cây cao su phát triển ở một số nơi khá tốt và Quảng Nam cũng đã xem xét rất kỹ trước khi đưa vào quy hoạch" - ông Hưng nói.

Trong khi đó, việc tạm ngừng mở rộng diện tích cao su tại một số địa phương đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. 

Chẳng hạn, dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư 13.300ha cao su nhưng đến nay Công ty CP Công nghiệp cao su Quảng Nam mới chỉ trồng được chưa tới 600ha, số diện tích còn lại bị nhiều người dân đòi lại, làm phát sinh khiếu nại và tranh chấp kéo dài.

Tương tự, ông Phạm Quang Đức - phó chủ tịch UBND xã Bình Minh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - cho biết nhiều người dân từng thỏa thuận góp đất cho Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi để trồng cao su với diện tích lên tới 38ha, nhưng nay đòi lại đất với lý do cây cao su không hiệu quả, nhiều hộ còn tự ý khai thác mủ mà không được sự cho phép của công ty. 

Ông Đông - một hộ dân đã tự ý phá bỏ diện tích cao su đại điền ở xã Bình Minh - cho rằng người dân góp đất để mong làm ăn chung, được trả lương hằng tháng. Nhưng trong nhiều năm nay, rừng cao su không cho người dân thu nhập nào. Đó là chưa kể mỗi lần bão gió lại lo lắng cây cao su ngã đổ. 

"Chúng tôi chỉ muốn lấy đất của mình trồng keo kiếm sống. Chứ để cây cao su ấy thì lấy chi sống" - ông Đông nói.

Lãnh đạo huyện Bình Sơn cho rằng đang rất đau đầu với chuyện tranh chấp này bởi rất khó để giải quyết. 

"Phía công ty đã đổ vốn ra chăm sóc nhưng đến nay việc thu hoạch bị đình trệ vì giá cao su quá thấp. Việc trả lương hằng tháng cho người dân nhận khoán chăm sóc gặp khó. Người dân đòi lại đất là sai vì đã giao đất cho công ty rồi. Nhưng cam kết của công ty để người dân góp đất là làm công nhân thì đang bế tắc" - vị này cho biết.

Thu nhập thấp nhất trong các loại cây trồng

Nhiều địa phương có trồng cao su ở khu vực Tây Bắc đều đã dừng phát triển tiếp loài cây này. Trong đó, Sơn La đã "gói" diện tích trồng cao su từ năm 2016.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai, cho biết địa phương này quy hoạch 20.000ha trồng cao su, nhưng mới trồng 2.000ha đã phải tạm ngừng mở rộng thêm.

Một trong những nguyên nhân khiến các địa phương này ngừng phát triển cây cao su là do thu nhập từ cao su chỉ đạt dưới 40 triệu đồng/năm, thu nhập thấp bậc nhất trong số các loại cây trồng ở khu vực này.

Nhằm giúp nông dân cải thiện thu nhập, các địa phương này đang khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân tổ chức nuôi ong dưới tán rừng cao su.

L.ANH

Cao su vỡ mộng: Cao su vỡ mộng: 'Vàng trắng'... mất trắng

TTO - Một thời gian cao su được ví như “vàng trắng” nên được mở rộng dần ra phía Bắc. Các tỉnh miền Trung, rồi cả Tây Bắc trồng ào ạt. Vài năm nay, cây cao su gặp khó khiến nhiều hệ lụy phát sinh.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,390,206       242