Sống khỏe

Tạo dựng thị trường ôtô: Nhìn từ kinh nghiệm Thái Lan

Mặc dù được đánh giá có dân số trẻ và quy mô khá cao nhưng số lượng lắp ráp ôtô của Việt Nam lại thấp nhất trong khu vực sau Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Tạo dựng thị trường ôtô: Nhìn từ kinh nghiệm Thái Lan - Ảnh 1.

Không những thế, sau 20 năm được bảo hộ nhưng đến nay cả số lượng và doanh số bán ra của các doanh nghiệp ôtô Việt đều không đạt như kỳ vọng.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động và học hỏi kinh nghiệm từ những nền công nghiệp phát triển nhằm đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa, cũng như tạo liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Kinh nghiệm từ "ông lớn"

Hình thành từ thập niên 1960, ngành công nghiệp ôtô Thái Lan phát triển nhanh chóng và đến nay đã trở nhà sản xuất đứng đầu ASEAN với gần 2 triệu xe mỗi năm; trong đó, có 800.000 xe được bán trong nước và 1,2 triệu xe được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và châu Á.

Trong nhiều năm qua, đất nước này đã đưa ra nhiều chính sách ổn định thu hút các "ông lớn" trong ngành ôtô đặt nhà máy sản xuất và lắp ráp tại đây như BMW, Ford, Mazda hay Mitsubishi và Mercedes.

Theo thống kê, ngành công nghiệp này ở Thái Lan hiện chiếm 12% tổng GDP (28,24 tỷ USD) và thu hút khoảng 550.000 lao động. Đặc biệt, xuất khẩu linh kiện phụ tùng xe hơi của Thái Lan năm 2013 đạt 5 tỷ USD, đứng đầu Đông Nam Á.

Nhận định từ giới chuyên gia cho thấy, Thái Lan đã có những bước tiến lớn và tham gia vào mạng lưới sản xuất ôtô của khu vực và thế giới. Ngành công nghiệp ôtô Thái Lan phát triển qua năm giai đoạn chính gồm sửa chữa xe nhập khẩu, lắp ráp xe, sản xuất phụ tùng xe, nghiên cứu và phát triển (R&D).

Được mệnh danh là "Detroit của phương Đông" bởi đây là cái nôi của ngành công nghiệp xe hơi khu vực, xuất khẩu đi toàn thế giới, nhiều chuyên gia nhận định rằng Thái Lan có rất nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm phát triển phần mềm ôtô ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ghi nhận từ chuyến đi thực tế Thái Lan mới đây của phóng viên cho thấy, cứ 5 người Thái Lan thì có một người sử dụng ôtô. Đáng lưu ý là hầu hết đều là ôtô sản xuất trên thị trường nội địa.

Ông Panumas Malasee, nhân viên Bộ Thương mại Thái Lan chia sẻ: "Mặc dù ở Bangkok tắc đường khá khủng khiếp nhưng may mắn là Thái Lan có cơ sở hạ tầng giao thông tốt và đồng bộ nên việc lái xe ở đây cũng khá thuận tiện."

Chị Pichana Inpota, nhân viên hãng Thông tấn quốc gia Thái Lan cho hay, thật tuyệt khi sử dụng xe được sản xuất ngay tại nội địa.

Bởi theo chị Pichana Inpota, sản phẩm không chỉ được đảm bảo về chất lượng mà mỗi khi có sự cố ôtô có thể được sửa chữa ngay tại xưởng với giá rẻ và nhanh chóng.

Bà Vannaporn Ketudat, Phó Tổng giám đốc, Cục Xúc tiến thương mại quốc tế (Bộ Thương mại Thái Lan) khẳng định Chính phủ Thái Lan đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô như đặc quyền về thuế nhập khẩu các bộ phận ôtô để lắp ráp tại Thái Lan hay hạ mức thuế cho các nhà máy sản xuất... Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn tạo điều kiện không chỉ với ngành sản xuất mà còn đối với hoạt động nghiên cứu phát triển.

Chẳng hạn như Trung tâm thử nghiệm lốp xe đầu tiên của Thái Lan đi vào hoạt động trong năm 2019 sẽ giảm thời gian và tiết kiệm chi phí chạy thử xe. Cùng đó, mạng lưới giao thông xuyên suốt từ Đông-Tây, Nam- Bắc cũng sẽ dễ dàng kết nối tới các nước khác trong khu vực.

Điều này khiến cho các khâu xuất nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn rất nhiều và góp phần không nhỏ để Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất ôtô.

Theo ông Charoenchai Prathuangsuksri, Trưởng phòng đầu tư, Văn phòng Hành lang kinh tế phía Đông Thái Lan, để phát triển công nghiệp ôtô, Chính phủ Thái Lan cũng đã xây dựng nền tảng bao gồm: chuỗi cung ứng cho lĩnh vực này và quy hoạch giao thông kết nối tới các quốc gia và nội địa.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đang được nâng cấp lên. Sân bay cũng sẽ được xây mới, cảng biển không chỉ phục vụ hàng hóa mà còn dành cho dầu khí và hóa lỏng.

Ông Charoenchai Prathuangsuksri cho biết thêm, hiện Thái Lan đang tính toán về tương lai của công nghiệp năng lượng xanh, đó là sản xuất xe ôtô chạy bằng năng lượng mặt trời và công nghệ cao.

Với kế hoạch sản xuất 3 triệu xe trong năm 2019 và hướng đến sản xuất ôtô công nghệ cao, Thái Lan xứng đáng là "ông lớn" trong ngành công nghiệp ôtô của khu vực ASEAN và châu Á.

Tạo khối liên kết

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù được đánh giá có dân số trẻ và quy mô dân số khá cao nhưng Việt Nam lại có số lượng lắp ráp thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản).

Dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Cùng đó, ngành này cũng chưa tạo được sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện quy mô lớn.

Không những thế, giá bán xe vẫn cao hơn gần 2 lần so với Thái Lan và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ôtô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Về tương quan công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ôtô, hiện Việt Nam có 20 doanh nghiệp, còn Thái Lan có 16 doanh nghiệp. Ngược lại, Thái Lan có tới gần 700 nhà cung cấp cấp 1 (gồm cơ khí, điện tử, cao su, nhựa và hóa chất), còn Việt Nam chỉ có 84 doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp lĩnh vực cơ khí thừa nhận, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước quy mô còn nhỏ, nhu cầu về linh kiện dù nhiều chi tiết nhưng không lớn nên công nghiệp hỗ trợ chưa thể phát triển mạnh mẽ. Do vậy, các doanh nghiệp cũng chưa tâm huyết đầu tư về công nghệ, quản lý hệ thống và nhân sự đáp ứng quản lý, điều hành theo tiêu chí công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hiện nhu cầu công nghiệp hỗ trợ rất cần thiết và chưa có sự kiết nối giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này với các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất trong nước và nước ngoài.

Theo ông Phương Đông, trên thực tế quy mô là số lượng các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh còn khiêm tốn (khoảng 1.200 doanh nghiệp), chủ yếu cung ứng linh kiện nhỏ lẻ cho các doanh nghiệp trong nước và nhà cung ứng cấp 3-4 cho doanh nghiệp nước ngoài.

Chính vì vậy, thành phố đã thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm kết nối, cập nhật các thông tin, dữ liệu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để tương tác với các nhà sản xuất, lắp ráp nội địa và quốc tế.

Để ngành công nghiệp ôtô phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ôtô; trong đó khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước. Cùng đó, bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ôtô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại.

Mặt khác, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ôtô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng yêu cầu điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp đối với các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô có quy mô lớn, không phân biệt địa bàn đầu tư; áp dụng các chính sách về tín dụng đầu tư đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô.

Đặc biệt, thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, nhất là các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN để ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh trong tương lai./

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,401,343       389