Sống khỏe

Truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ mầm non

TTO - Trẻ mầm non chưa biết đọc, làm sao để bé say mê đọc sách? Một cô giáo ở TP.HCM đã nghĩ ra cách cho các bé 'sáng tác' truyện tranh.

Truyền cảm hứng đọc sách cho trẻ mầm non - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Tâm Xuân cùng các bé lớp lá làm truyện tranh do chính các bé vẽ - Ảnh: NHƯ HÙNG

Để rèn học sinh mẫu giáo đọc sách là chuyện không dễ. Thế nhưng cô Nguyễn Thị Tâm Xuân (Trường mầm non 24A, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã xây dựng một số phương pháp để truyền hứng thú đọc sách cho trẻ.

Sáng kiến này được áp dụng rộng rãi trong các trường mầm non ở quận.

Từ đọc hiểu truyện tranh

Đã 18 năm "gõ đầu trẻ", cô Xuân thấy khó nhất là làm sao mỗi ngày phải nghĩ ra cách để các bé mẫu giáo đến trường không chỉ ca múa sinh hoạt, ăn uống đúng giờ mà còn tạo được hứng thú, xây mầm cho thói quen tốt lâu dài nào đó.

Cô nói: "Lấy trẻ làm trung tâm nghĩa là để bản thân trẻ tự phát huy tối đa năng lực tư duy sáng tạo của mình trên cơ sở niềm thích thú.

Hiện quy định không được dạy chữ cho trẻ mầm non, về nhà không tránh khỏi các em chỉ chăm chăm vào iPad và điện thoại mà bỏ qua đọc sách dù đó là truyện tranh. Thế nên tôi nghĩ xây dựng một phương pháp phải "hút" được các bé bằng chính điều các em bỏ qua, đó là đọc hiểu truyện tranh".

Thường những cuốn truyện tranh có hình ảnh đẹp, màu sắc sinh động về thiên nhiên, động vật và về cuộc sống con người nhưng chưa đủ sức hút nếu các em chưa biết cách tiếp cận.

Truyện tranh bên dưới có những dòng chữ rất lớn nhưng các em chưa thể đọc. Còn để giáo viên đọc truyện cho các em nghe thì rất đơn giản nhưng sẽ nhanh quên.

Để hứng thú xem đọc truyện tranh thì các em phải hiểu tranh nói điều gì, mà hiểu được thì không gì hiệu quả bằng để chính các em tự vẽ tranh với ý tưởng của mình.

"Sau khi vẽ xong, từng con sẽ giải thích ý nghĩa tranh vẽ, tôi sẽ ghi lại gọn nội dung bên dưới. Làm như thế để các con hiểu rằng câu chữ là nội dung bức tranh, phát huy ngầm năng lực "nhìn - hiểu" để sau này vào lớp 1, các con có thể nhìn hình ảnh sách giáo khoa mà hiểu được nội dung truyền tải. Đồng thời khơi gợi niềm thích thú đọc sách" - cô Xuân nói.

Chúng tôi gặp Khả Hân khi bé đang cặm cụi tô lại viền màu cho bức tranh rùa và thỏ. Hỏi về bức tranh, bé trả lời: "Con vẽ chú thỏ và rùa. Thỏ thì nhanh, rùa thì chậm nhưng khi thi chạy do thỏ nhởn nhơ bên đường, còn rùa chăm chỉ chịu khó đi nên chiến thắng.

Vì vậy con vẽ chú rùa đứng trước chú thỏ một đoạn rất xa. Những dòng chữ phía dưới mà cô giáo viết là kể lại nội dung câu chuyện của bức hình con vẽ đó".

Đến diễn đạt lời truyện

Thói quen đọc sách ở một đứa trẻ không thể xuất phát từ bắt, ép hay buộc mà phải xuất phát từ sự thích thú. Hiểu được điều này, cô Xuân cho học trò mầm non của mình tha hồ phác họa bức tranh theo từng chủ đề và quan trọng nhất là hướng các em đến việc diễn đạt lời truyện.

"Diễn đạt được nghĩa là bức tranh các em vẽ hoàn toàn có dụng ý. Và ngược lại, hiểu được nội dung, các em sẽ diễn đạt trôi chảy hơn. Cái mà tôi hướng đến là nội dung sau mỗi câu chuyện.

Ví dụ như tôi đưa chủ đề về nhân vật thỏ và rùa, sau khi vẽ xong có em diễn đạt bạn thỏ đi vào rừng, em khác lại cho rằng bạn thỏ đi dự sinh nhật, nhưng kết thúc đều rút ra bài học chung từ một câu chuyện thỏ - rùa. Mỗi em có mỗi ý tưởng, sự diễn đạt đó kích thích ngôn ngữ trong đầu các bé và tư duy sáng tạo".

Do đúng tâm lý, tranh mình vẽ, mình tự tạo nội dung câu chữ dưới dạng kể lại, các bé đều phấn khởi khi đến giờ "đọc sách".

Cô Xuân thiết kế theo góc nhóm gồm 4-5 em, mỗi em sẽ có một ý tưởng nên câu chuyện được các bé kể lại sẽ rôm rả và phong phú hơn. Và trên giá sách của lớp, không những có sách của phụ huynh ủng hộ, sách của cô trò cùng làm, giờ đây còn cả sách các em tự làm.

Trên ý tưởng đó, mỗi giờ lên lớp các bé đều được vẽ tranh và cả lớp đóng thành tập truyện tranh, cô Xuân sẽ mang tập truyện treo ở góc đọc sách. Cứ cuối giờ mỗi ngày, cô trò tập trung lại góc đọc sách, say mê kể những câu chuyện từ tranh các em đã vẽ.

Cô Nguyễn Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường mầm non 24A, cho biết: "Cô Xuân là giáo viên tâm huyết với nghề, đã có nhiều đóng góp trong công tác chuyên môn. Sáng kiến tạo hứng thú cho trẻ mầm non đọc sách được đánh giá cao vì có hiệu quả tốt.

Giáo viên trong trường được ứng dụng thành công sáng kiến này ở các lớp, được ban giám hiệu nhân rộng toàn trường, áp dụng rộng rãi tại các trường mầm non khác trong quận.

Trẻ mầm non chỉ làm quen câu chữ thường qua tranh vẽ, câu chuyện, bài thơ... nhưng với phương pháp cô Xuân thiết kế, thực sự truyền được niềm thích thú đọc sách cho các em".

Cùng con đọc sách, thay vì kể chuyện cho bé nghe Cùng con đọc sách, thay vì kể chuyện cho bé nghe

TTO - Cả hai vợ chồng tôi đều thích đọc sách. Chính vì thế, có thể nói rằng các con tôi đã lớn lên cùng sách. Khi chúng còn chưa đi mẫu giáo, thay vì kể chuyện cho con nghe, chúng tôi đã mua truyện tranh và đọc cho chúng nghe.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,223,904       486