Sống khỏe

Phòng Giáo dục 'ép' trường ký hợp đồng mua suất ăn

TTO - Lấy lý do hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương (phường 6, TP Sóc Trăng) sắp về hưu, Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng ra văn bản yêu cầu trường này tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36.

Phòng Giáo dục ép trường ký hợp đồng mua suất ăn - Ảnh 1.

Trường tiểu học Hùng Vương - Ảnh: K.T

Chiều tối 11-6, ông Trần Văn Trí - phó chủ tịch UBND TP Sóc Trăng - xác nhận có việc Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng ra công văn yêu cầu ông Lâm Văn Hải - hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương - tái ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp suất ăn cho học sinh.

Còn nhiều nội tình khó nói ra

Theo công văn số 341 ngày 29-5 của Phòng GD-ĐT TP Sóc Trăng, năm học 2018-2019, Trường tiểu học Hùng Vương không được tự tổ chức nấu ăn tại trường cho học sinh bán trú, đồng thời cũng không được tổ chức đấu thầu nấu ăn tại trường để cung cấp suất ăn phục vụ cho học sinh bán trú.

Lý do, thời gian công tác của hiệu trưởng còn không đầy một năm học (tháng 3-2019 nghỉ hưu), do vậy không đủ thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục mời thầu cũng như xây dựng bếp ăn tại trường.

Văn bản Phòng GD-ĐT còn yêu cầu Trường tiểu học Hùng Vương tiếp tục tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36 trong năm học 2018-2019 nhằm ổn định hoạt động của trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trí khẳng định văn bản của Phòng GD-ĐT không có gì sai và cho biết khi nào Trường tiểu học Hùng Vương có hiệu trưởng mới sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu nấu ăn cho học sinh bán trú theo quy định.

"Doanh nghiệp Ẩm thực 36 đã đầu tư cơ sở vật chất làm nhà ăn, việc tái ký hợp đồng cũng giúp họ lấy lại vốn. Hơn nữa, nội tình bên trong còn nhiều điều không thể nói ra được, đành trước mắt giải quyết như vậy", ông Trí nói.

Phụ huynh phản ứng gay gắt

Theo ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Hùng Vương, những lý do Phòng GD-ĐT TP đưa ra chẳng khác gì mệnh lệnh mang tính áp đặt, không thuyết phục.

Theo anh V., Phòng GD-ĐT quản lý cán bộ, còn việc tìm đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh là của ban đại diện và nhà trường. Do vậy không thể lấy lý do hiệu trưởng sắp về hưu mà không cho tổ chức đấu thầu hay cho trường tự nấu ăn phục vụ học sinh.

Cùng tâm trạng trên, anh T. thắc mắc không biết Phòng GD-ĐT căn cứ cơ sở pháp lý nào để chỉ định trường phải tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36.

Còn theo chị H., nếu không cho trường tự tổ chức nấu ăn thì phải đấu thầu công khai để đảm bảo công bằng, không có chuyện mệnh lệnh hành chính ở đây.

Lý do cho rằng để doanh nghiệp lấy lại vốn đã đầu tư nhà ăn càng không thuyết phục. Theo ông T., nhà trường cho mượn đất, doanh nghiệp cất nhà ăn. 

Tuy nhiên trong 7 năm qua, mỗi suất ăn 22.000 đồng/ngày/học sinh đã bị trừ lại 4.000 đồng cho doanh nghiệp để khấu hao tài sản.

"Tính ra, số tiền thu vào còn gấp nhiều lần so với doanh nghiệp bỏ ra", ông T. quả quyết.

Còn theo hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, sau khi trường có thông báo chấm dứt hợp đồng cung cấp suất ăn cho học sinh với doanh nghiệp Ẩm thực 36, tháng rồi ông nhiều lần được phòng mời lên làm việc.

"Tôi khẳng định trường đủ năng lực tự nấu ăn và đủ thời gian xây dựng kế hoạch tổ chức đấu thầu công khai nhưng không được chấp thuận", ông Hải nói.

Theo ông Hải, trong các lần làm việc với lãnh đạo phòng, ông vẫn giữ quan điểm không đồng ý tái ký hợp đồng với doanh nghiệp Ẩm thực 36.

"Doanh nghiệp này cung cấp phần ăn cho học sinh, nhưng tự nấu ở nhà rồi đem vào, thử hỏi nhà trường và phụ huynh sao quản lý được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Hải trăn trở.

Ông Hải cho biết năm học vừa rồi có 629 học sinh của trường đăng ký bán trú.

"Trong cuộc họp ngày 9-6 với ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh đề nghị tổ chức đối thoại với Phòng GD-ĐT, có mời lãnh đạo thành phố dự. Nếu ý kiến của phụ huynh không được giải quyết, sẽ có văn bản gửi cấp trên", ông Hải nhấn mạnh.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,403,835       316