Sống khỏe

Xuất khẩu tôm sang Mỹ rất khó tăng trưởng mạnh thời gian tới

Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, thuế chống bán phá giá cao và Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ (SIMP) là những rào cản lớn đang khiến doanh nghiệp khó đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian gần đây.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ rất khó tăng trưởng mạnh thời gian tới - Ảnh 1.

Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng 13,8% so với cùng kỳ, đạt trên 1 tỷ USD nhưng xuất khẩu tôm của Việt Nam riêng trong tháng 4 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ, đạt trên 275 triệu USD.

Ngoài nguyên nhân giá tôm sụt giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng cao thì việc xuất khẩu tôm sang Mỹ và Trung Quốc sụt giảm cũng đã khiến kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành giảm theo.

Trước đó, năm 2017 trong khi xuất khẩu tôm sang các thị trường đều tăng mạnh, thì ở thị trường Mỹ lại sụt giảm đến 8% so với năm 2016.

Việc thuế chống bán phá giá tăng cao được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm mạnh.

Đầu tháng 3, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ 1-2-2016 đến 31-1-2017 lên tới 25,39%.

Mức thuế lần này được cho là quá cao so với những lần công bố trước đó. Dù các luật sư đã phát hiện có sự nhầm lẫn trong cách tính của DOC và kết quả sơ bộ chỉ có tính chất tham khảo, tuy nhiên phán quyết này ít nhiều cũng gây tâm lý lo lắng cho cả bên mua lẫn bên bán tôm hiện nay.

Không những vậy, cuối tháng 4, tôm chính thức được Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) đưa vào Chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu Mỹ.

Theo đó, đến ngày 31-12, các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP.

Cụ thể, nhà nhập khẩu phải là công dân Mỹ; đảm bảo và duy trì Giấy phép Thương mại thủy sản quốc tế (IFTP) từ NOAA; Khai báo một loạt các yếu tố dữ liệu cần thiết để khi nhập khẩu vào Mỹ xác nhận các sản phẩm được mua lại hợp pháp tại thời điểm thu hoạch.

Đồng thời, trong 2 năm, phải lưu giữ hồ sơ của dữ liệu đó, cũng như ghi lại trung thực toàn bộ chuỗi hành trình sản phẩm từ lúc thu hoạch tới khi nhập khẩu vào Mỹ.

Các doanh nghiệp cho rằng, với mức thuế chống bán phá giá cao, kèm theo sự giám sát của SIMP, xuất khẩu tôm sang Mỹ rất khó tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, Mỹ là một thị trường có nhu cầu rất lớn về thủy sản, đặc biệt là tôm.

Trung bình mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 600.000 tấn tôm phục vụ tiêu dùng, nhưng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này mới chiếm 10%/năm (khoảng 60.000 tấn), trong khi năng lực xuất khẩu của Việt Nam có thể đạt tới 150.000 tấn.

Do vậy, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng và năng lực cạnh tranh để có thể mở rộng thị phần tại đây.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá tôm sụt giảm sâu, mới đây, VASEP đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị một số giải pháp để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu tôm Việt.

Trong đó, VASEP kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm các hoạt động ngoại giao cấp cao để Hoa Kỳ tháo gỡ nhanh các rào cản thương mại, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá tôm.

Hiện tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ, do những rào cản về áp thuế chống bán phá giá trong khi Ấn Độ đang chiếm tới 32% thị phần ở thị trường này, tiếp đó là Thái Lan và Indonesia./.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,404,030       458