Sống khỏe

Đừng nghĩ những gian lận nhỏ là chuyện... vặt!

TTO - Ăn cắp là một thói xấu khó bỏ. Người Pháp vốn có câu: "Hôm nay bạn lấy một quả trứng, ngày mai bạn lấy cả con gà". Cho nên chúng ta cần phải lên tiếng khi ăn cắp đã và đang trở thành thói quen, thành chuyện bình thường.

Đừng nghĩ những gian lận nhỏ là chuyện... vặt! - Ảnh 1.

Ra nước ngoài, những người Việt có lòng tự trọng cảm thấy xấu hổ với dòng chữ cảnh báo ăn cắp vặt được viết bằng tiếng Việt - Ảnh: Tư liệu

Theo tôi, tật xấu ăn cắp xuất phát từ cái thói tham lam những cái không thuộc về mình, thiếu tính tự giác và không có lòng tự trọng.

Có lẽ ai đã và đang có con em học các lớp tiểu học đều có mang cái cảm giác bực mình khi dụng cụ học tập của các con thường xuyên bị mất.

Từ bút chì, bút mực cho đến cái tẩy, cây thước mới mua vài hôm đã mất. Mỗi năm học bị mất gần chục cây bút là chuyện bình thường.

Không khó để tìm ra thủ phạm, tuy nhiên khi được mời đến để giáo viên trao đổi thì thường phụ huynh của các bé hay cầm nhầm đồ dùng của các bạn khác thường không hợp tác hoặc cho là ba cái chuyện con nít không đáng để bàn(?).

Có lần tôi đến trường đón con gái lúc trời chuẩn bị mưa, đang loay hoay chuẩn bị nón, áo cho con thì một bé gái không hiểu từ đâu xăm xăm chạy đến lấy cây dù của tôi đang để sát bên mang đến cho người phụ nữ đứng gần đó.

Khi tôi bước đến hỏi vì sao chị ta lại kêu con mình tự nhiên lấy thứ không phải của mình như vậy. Người phụ nữ ấy lớn tiếng cho rằng: "Tưởng ai bỏ quên nên lấy xài chớ có gì đâu mà làm dữ vậy"(?).

Không ít lần nơi căn tin trường học, tôi chứng kiến những đứa con nhất quyết đòi trả lại số tiền thừa do người bán thối nhầm trong khi cha mẹ lại không chỉ ngăn cản mà còn bực bội "sao mà ngu quá, tại người ta nhầm chứ có do mình đâu"(?)

Tính thiếu trung thực và tham lam của không ít người được thể hiện ở các quầy phát hàng khuyến mãi trong siêu thị hoặc các lễ hội.

Cha mẹ, con cái quay vòng xếp hàng 2,3 lần để lấy càng nhiều càng tốt. Gần đây nhất là chuyện bánh mì từ thiện trên đường, thay vì mỗi người tự giác lấy một ổ thì không ít kẻ mang bao đến lấy hàng chục ổ để… bán lại.

Chính những thói xấu cứ tưởng vặt vãnh ấy là mầm mống để phát sinh những tệ nạn khác. Tôi đã từng nghe anh bạn chia sẻ chính anh đã chứng kiến câu chuyện đáng xấu hổ cách gần 20 năm.

Đó là thời gian, đất nước bắt đầu mở cửa đón chào các nhà đầu tư khắp nơi. Trong số đó có một tập đoàn khá nổi tiếng về thực phẩm đã đầu tư một siêu thị khá lớn về quy mô lẫn diện tích trong định hướng sẽ phát triển thành chuỗi siêu thị khắp cả nước.

Tuy nhiên dự án đã dở dang vì một lý do mà chính họ chứ từng đối mặt, đó là nạn ăn cắp hàng hóa được tổ chức có hệ thống và hết sức tinh vi chứ không còn là chuyện vặt vãnh.

Đối tượng trực tiếp lấy cắp thường là trẻ em, phụ nữ hoặc người già nên khá nan giải mỗi lần bắt được tận tay.

Không dừng lại ở đó, mỗi lần lực lượng bảo vệ siêu thị làm nghiêm, xử lý thích đáng đối với những trường hợp đó thì chính họ bị những người lạ mặt thường xuyên khủng bố. Nhẹ thì chửi bới qua điện thoại, nặng thì bị đón đường tông xe, gây sự.

Ăn cắp là một thói xấu khó bỏ. Lúc nhỏ thì ăn cắp cây trái của hàng xóm. Đi học thấy bút, thước của bạn bè đẹp hơn thì chôm về nhà để dành xài; đến lúc thi cử, làm luận văn thì ăn cắp kiến thức, chất xám của người khác.

Ra trường đi làm lại tiếp tục ăn cắp nhưng bằng những hình thức tinh vi hơn. Công chức nhà nước ăn cắp giờ làm, công nhân thì ăn cắp vật liệu trong xưởng. Quen sái đó nên đi tới đâu, thấy ai sơ hở bất cứ thứ gì hễ tiện tay là ăn cắp về nhà.

Đi ra nước ngoài cũng không chừa được cái tật xấu xa đó. Để rồi một số quốc gia lân cận đã viết hẳn những dòng chữ tiếng Việt ở những nơi du khách Việt Nam thường lui tới: "Không lấy ô và giày của người khác để dùng", "Ăn cắp vặt là phạm tội, nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm", "Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động"…

Để rồi con cái học tập được điều gì hơn cái thói ăn cắp xấu xa đo. Một vòng tròn vay trả vậy mà không ít người cứ ngỡ mình hay, mình giỏi lại còn tự hào, tự đắc.

Thói xấu ăn cắp được hình thành từ nhỏ, đã biến thành thói quen theo thời gian nên nhiều người không còn nhận ra thói xấu đó đã ảnh hưởng lớn đến xã hội, cả thể diện của một quốc gia.

Cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, để giáo dục một hệ trẻ luôn biết sống trung thực, tự giác và văn minh hơn những người đi trước như ông bà ta từng nói tre chỉ có thể uốn được lúc còn non.

Làm sao dẹp được thói tham vặt của người Việt? Bạn nghĩ gì khi có ai đó 'mượn' áo mưa của mình trong lúc gởi xe? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Lấy áo đi mưa, nón bảo hiểm người khác: đừng nghĩ là... Lấy áo đi mưa, nón bảo hiểm người khác: đừng nghĩ là... 'mượn' tạm!

TTO - Kể lại chuyện bị mất chiếc nón bảo hiểm trong một lần chở cháu đi Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám bệnh, bạn đọc B.H khuyên: "Người có tài sản nên cảnh giác bằng cách không để bên ngoài dễ lấy, còn với người có tính tham vặt nên nhìn lại".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,238,248       1,273