Sống khỏe

Truyền hình World Cup: Hãy cạnh tranh bằng dịch vụ

TTO - Nhân câu chuyện bản quyền truyền hình World cup năm nay hết sức ồn ào, thiết nghĩ đã đến lúc truyền hình cần có một thị trường đúng nghĩa.

Truyền hình World Cup: Hãy cạnh tranh bằng dịch vụ - Ảnh 1.

Ai thích bình luận viên Tạ Biên Cương thì xem VTV, ai không thích thì chọn đài khác…Bao giờ khán giả có được nhiều sự lựa chọn như vậy thì truyền hình mới khá được

Thị trường đúng nghĩa là như thế nào?

Trước hết, cũng nên quay lại một chút với diễn biến của vụ mua bản quyền truyền hình World cup 2018. Đầu tiên, phải thừa nhận việc chỉ mỗi mình VTV đại diện Việt Nam tham gia đàm phán là một quyết định chính xác. 

Quyết định này có được là nhờ sự tham gia của chính phủ, của Hiệp hội truyền hình trả tiền sau khi đã có những ồn ào từ vụ mua bản quyền giải ngoại hạng Anh. 

Trước đây, khi chuyện đi mua bản quyền được thả nổi, một người trong cuộc kể cho chúng tôi nghe rằng, bên bán rất ranh mãnh. Họ đến Hà Nội, thuê phòng ở tại khách sạn Metropole, và đưa giấy mời các đơn vị kinh doanh truyền hình ở Việt Nam đến gặp để chào bán bản quyền giải ngoại hạng Anh. 

Họ xếp lịch tiếp rất "quái", sao cho để đại diện đài A vừa ra khỏi cửa thì đại diện đài B ngồi ngoài chờ; rồi đại diện đài B vừa về thì thấy đại diện đài C chầu chực…Trong phòng họp thì họ tung hỏa mù về mức giá của đại diện các đài. Thế là đài nào cũng lo, dẫn đến việc vung tay quá trán để mua mà không biết mình có khả năng thu hồi vốn hay không.

Tuy nhiên, ép giá để dẫn đến tình trạng chậm như World Cup 2018 thì cũng không phải là điều hay ho. Vì có bản quyền quá trễ sẽ dẫn đến việc bị động trong chuyện khai thác quảng cáo. 

Cụ thể, đại diện VTV từng tuyên bố rằng cái giá Infront Sports & Media đưa ra ban đầu là 15 triệu USD không thể chấp nhận được, chỉ mua  với giá dưới 10 triệu. 

Nhưng kết quả cuối cùng thì sao? VTV vẫn phải mua với giá trên chục triệu đó thôi. 

Vì vậy, bao nhiêu triệu USD là giá đúng, đó là nghệ thuật định giá, và tài năng thẩm định của người đi mua. 

Chúng ta bảo năm 2014 mua với giá 7 triệu USD, vậy mà 2018 thì chào đến 15 triệu USD là không thể chấp nhận. Nhưng thử nhìn xem tình hình chung là sao? Thái Lan mua bản quyền World cup 2014 là 20 triệu USD, năm nay mua với giá 44 triệu USD; Singapore mua 10 triệu USD năm 2014, còn bây giờ là 18 triệu USD; kinh khủng nhất là Mỹ khi mua 50 triệu USD bốn năm trước, còn bây giờ là 200 triệu USD! 

Việc tăng giá chóng mặt là do FIFA, khi tổ chức này làm cho bóng đá ngày mỗi trở thành miếng bánh béo bở, và nguồn thu từ bán bản quyền truyền hình của FIFA cũng tăng chóng mặt. Từ đây, cần phải xem lại khả năng khai thác của các nhà đài Việt Nam.

Bản quyền World Cup đã có, người hâm mộ còn chờ đợi điều gì?

Theo tôi, thị trường truyền hình cần phải phát triển một cách đúng nghĩa, đó là có sự cạnh tranh sòng phẳng, trong sáng để tất cả cùng tiến bộ. 

Cần phải dẹp chuyện sử dụng bản quyền ra khỏi các yếu tố cạnh tranh, mà nó nên được chia sẻ theo độ phủ sóng của từng đài, từng đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền. 

Ví dụ, K+ có lượng thuê bao cao hơn FPT thì đương nhiên phải trả tiền cao hơn để có sóng sạch. VTV có lượng người xem nhiều hơn thì đương nhiên phải trả cao hơn so với HTV. Còn đơn vị nào không muốn mua sóng sạch thì cứ tiếp sóng của đài quốc gia.

Yếu tố quan trọng nhất để tạo sự khác biệt giữa các đài với nhau, đó chính là xây dựng chương trình khai thác theo World Cup. 

Ví dụ: ai muốn xem các chương trình bình luận trước - giữa - sau trận đấu kiểu có nhiều gương mặt shobitz thì chọn K+; ai chịu được Tạ Biên Cương thì xem VTV; ai khoái phong cách Nam bộ thì mời vào HTV… Chứ như bao lâu nay, dù không ít người chịu không được cách bình luận của anh bình luận viên họ Tạ, nhưng cũng phải cắn răng mà xem VTV vì có đài nào khác đâu mà lựa chọn!

Tóm lại, điều mà người hâm mộ chờ đợi nhất là các đài hãy cạnh tranh nhau bằng chất lượng dịch vụ. Làm được điều đó, làng truyền hình nước ta mới khá được.

VTV chính thức có bản quyền truyền hình World Cup 2018 VTV chính thức có bản quyền truyền hình World Cup 2018

TTO - Theo thông tin Tuổi Trẻ Online vừa nhận, lúc 19h, VTV đã chính thức ký hợp đồng mua bản quyền truyền hình World Cup 2018.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,249,032       1,309