Sống khỏe

Đau đầu với giá giấy tăng chóng mặt

TTO - Sau khi tăng nóng hơn 20%, giá các loại giấy (giấy in, giấy viết, giấy bao bì) tiếp tục tăng thêm từ 500.000 - 1 triệu đồng/tấn kể từ đầu tháng 6-2018 do nguồn cung nguyên liệu và thành phẩm giấy nhập khẩu tiếp tục leo thang.

Đau đầu với giá giấy tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Giấy bao bì thành phẩm tại một nhà máy sản xuất giấy ở Bình Dương - Ảnh: T.V.N

Các nhà sản xuất cũng như doanh nghiệp kinh doanh thương mại thừa nhận nguồn cung trong nước không đáp ứng được nhu cầu, phụ thuộc phần lớn vào nguồn giấy nhập khẩu và đặc biệt giá các loại nguyên liệu sản xuất giấy tăng mạnh là nguyên nhân khiến giá giấy các loại liên tục tăng.

Giá tăng chóng mặt

Vừa nhận xong đợt hàng giao của tháng 5-2018 với mức giá 24 triệu đồng/tấn cho loại giấy sản xuất tập định lượng 58 gsm, ông L.V.H., phụ trách khối sản xuất của Công ty CP giấy tập LH, cho biết giá chào đơn hàng của tháng 6-2018 đã được một số công ty thương mại thông báo tăng thêm 800.000 - 1 triệu đồng/tấn cho loại giấy cùng định lượng nói trên.

"Với mức tăng như vậy, không khéo năm học mới sắp đến giá tập thành phẩm buộc phải tăng vì đã quá ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp. 

Chúng tôi đang cân nhắc rất kỹ về mức tăng nhằm tránh tác dụng ngược của thị trường do các doanh nghiệp đang có sự cạnh tranh rất khốc liệt trong việc giữ thị phần" - ông L.V.H. thừa nhận.

Theo tính toán của ông L.V.H., so với thời điểm cuối tháng 3-2018, giá giấy in tập đã tăng thêm khoảng 15% và tăng tổng cộng xấp xỉ 30% so với từ đầu năm đến nay. 

Ở lĩnh vực giấy in báo, trưởng phòng tài vụ của một thương hiệu báo lớn ở khu vực phía Nam cho biết cơ quan ông đang cầm cự từng ngày trước giá giấy in báo cũng đang "leo thang" chóng mặt.

"Sau khi đã tăng bình quân 2,2 triệu đồng/tấn kể từ cuối tháng 2-2018, mức giá mới mà các công ty thương mại thông báo sẽ tiếp tục tăng thêm ít nhất 15-20% cho các lô giấy giao từ cuối tháng 8 tới. 

Việc giá giấy in báo tăng trung bình 30-40% kể từ đầu năm 2018 đến nay thật sự là bài toán rất khó cho các cơ quan phát hành báo chí" - vị này nói.

Các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì các loại cũng "than trời" khi nguồn cung giấy thành phẩm lẫn nguyên liệu để sản xuất ra các loại bao bì cho nhiều ngành hàng (thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, vật dụng gia dụng...) cũng buộc phải mua giá cao.

Theo ông Cao Tiến Vị - tổng giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn, giá giấy biến động có một phần không nhỏ từ việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt chính sách môi trường đối với doanh nghiệp bản địa, kể cả việc nhập khẩu nguyên liệu tái chế, dẫn đến việc hàng loạt nhà máy giấy và bột ô nhiễm của Trung Quốc bị đóng cửa. 

Điều này khiến nguồn cung giấy bị thiếu cục bộ, làm giá giấy bao bì cactông cũng tăng theo. So với mức giá hồi tháng 9-2017, giá giấy bao bì cactông hiện đã tăng 25-30% vì nguồn cung thiếu hụt.

Đau đầu với giá giấy tăng chóng mặt - Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội Giấy và bột giấy VN

Lệ thuộc nguồn giấy nhập khẩu

Dù nhu cầu sử dụng giấy các loại của VN đều tăng dần qua từng năm, nhưng khả năng đáp ứng từ nguồn trong nước ngày một thu hẹp. 

Ông Đặng Văn Sơn, tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, cho biết các loại giấy được tiêu thụ phổ biến tại VN là giấy in báo, giấy in, giấy viết, giấy bao bì và giấy ăn, trong đó giấy in báo nhập hoàn toàn.

Giấy in, giấy viết trong nước sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng. Còn giấy ăn và giấy bao bì phần lớn từ sản xuất trong nước, một phần nhỏ từ nhập khẩu. 

"Trước đây giấy in báo còn có thể mua trong nước nhưng nay đều phải mua từ nguồn giấy nhập khẩu của Hàn Quốc, Malaysia hoặc Đài Loan vì chất lượng giấy trong nước không đáp ứng được trình độ công nghệ rất hiện đại của các loại máy in hiện nay" - ông P.B., một chuyên gia lâu năm trong ngành giấy, khẳng định.

Trong khi đó, chi phí sản xuất, trình độ công nghệ máy móc của VN không thể bằng các nước có thế mạnh, nên khó có giá thành cạnh tranh so với giấy nhập khẩu.

 "Đó là lý do chính khiến ngành giấy cứ mãi èo uột và khó lòng tự chủ được nguồn cung nguyên liệu khi chi phí đầu tư cho ngành này không dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, manh mún, công suất thấp được" - ông P.B. cho biết.

Tạo điều kiện cho ngành bột giấy phát triển

Theo Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, để tháo gỡ khó khăn cho ngành giấy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư cho sản xuất bột giấy trong các vấn đề, như tiếp cận vốn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại đồng bộ, tạo điều kiện cho vay vốn đầu tư tín dụng, vốn ODA để phát triển vùng nguyên liệu, cung cấp ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy...

Còn theo ông Cao Tiến Vị, nếu Chính phủ kiểm soát nghiêm vấn đề ô nhiễm môi trường như các luật đã ban hành, nguồn giấy sản xuất trong nước nên được giữ lại tiêu dùng trong nước thay vì đem xuất khẩu, tránh tình trạng người cần phải đi mua giá cao từ nơi khác.

Giá giấy in báo: vượt ngưỡng 20 triệu đồng/tấn

Theo các nhà nhập khẩu, việc giấy in báo phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, do hai thương hiệu lớn của ngành giấy trong nước trước đây đều không còn sản xuất giấy in báo nữa.

Chính vì lệ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu, việc giá giấy in báo biến động mạnh trong thời gian gần đây là điều khá dễ hiểu.

Cũng theo các công ty thương mại, giấy in báo sẽ có mức giá mới từ đầu quý 3-2018, sau khi hợp đồng cũ giao hàng cho các đơn vị có nhu cầu kết thúc vào cuối tháng 6.

Chưa xác nhận chính thức nhưng theo các doanh nghiệp, mức giá tăng đối với giấy in báo sẽ vượt ngưỡng trên 20 triệu đồng/tấn so với mức bình quân 18,5-18,7 triệu đồng/tấn như hiện nay.

Theo chuyên gia P.B., về cơ bản, để sản xuất giấy in, giấy viết phải có bột giấy.

Nên khi giá nguyên liệu bột giấy tăng, giá thành sản phẩm phải tăng. So với một năm trước, giá bột giấy đã tăng gần 100%, hiện ở mức 900 - 1.000 USD/tấn và đang chững lại ở mức này trong vòng một tháng qua.

Giá giấy tăng vọt do khan hiếm bột giấy nhập từ Trung Quốc Giá giấy tăng vọt do khan hiếm bột giấy nhập từ Trung Quốc

TTO - Các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng giấy viết, giấy in báo cho biết giá giấy hiện đang tăng chóng mặt vì nguồn cung từ Trung Quốc thiếu hụt, từ nguyên liệu đến giấy thành phẩm.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,248,945       1,278