Sống khỏe

Khán giả ở đâu, truyền hình phải ở đó

TTO - Hiện tại, việc phát triển công nghệ số đang thuộc về các công ty công nghệ, chứ chưa có sự tham gia nhiều của các đài truyền hình. Nhưng không có nghĩa là các đài truyền hình ngó lơ cuộc chuyển dịch lớn này.

Khán giả ở đâu, truyền hình phải ở đó - Ảnh 1.

Phim Người phán xử tiền truyện đang được phát độc quyền trên vtvgiaitri.vn, thu hút rất đông khán giả số - Ảnh: Quang Định

Một chương trình muốn thu hút khán giả số thì luôn phải đổi mới phương thức sản xuất để thu hút người xem. Khán giả ở đâu là mình phải ở đó

Nhà báo Đặng Diễm Quỳnh

Sau nhiều thập niên tiếp nhận thông tin bị động và lệ thuộc thì người xem truyền hình, đặc biệt là người trẻ, đã có sự thay đổi rõ rệt từ xem truyền thống sang xem qua mạng Internet, từ mô hình xem chung sang cá nhân hóa, từ bị động sang chủ động, từ cố định sang di động mọi lúc mọi nơi với các thiết bị thông minh có kết nối Internet.

Nhà đài chạy theo "tivi di động"

Mới đây nhất, Người phán xử tiền truyện (4 tập) tung lên vtvgiaitri.vn đang tạo nên những dư luận khen chê từ phía khán giả.

Lượng người xem phim ngắn này đông đến mức trang web thường xuyên bị nghẽn mạng, khiến đơn vị sản xuất phải lên tiếng mong người xem thông cảm.

Điều đặc biệt của Người phán xử tiền truyện là 4 tập phim chỉ phát online. Đơn vị sản xuất VFC cho biết đây là bước thử nghiệm của họ trong việc sản xuất những sản phẩm dành riêng cho cộng đồng mạng.

Không chỉ có Người phán xử tiền truyện, vtvgiaitri.vn liên tục tung ra các clip riêng về hậu trường sản xuất phim, những talkshow nho nhỏ để nghệ sĩ chia sẻ về vai diễn của mình và cung cấp kho khổng lồ các chương trình giải trí của VTV gồm có các phim truyền hình, chương trình giải trí...

HTV cũng cho ra đời HTV Online vào năm 2014. Đến nay, trang này chủ yếu cung cấp kho nội dung từ phim truyện, game show, ca nhạc, thể thao... để mọi người có thể lựa chọn xem lại.

Năm 2016, K+ cho ra đời MyK+ Now - gói kênh truyền hình trực tuyến trả tiền mới - cho phép xem truyền hình trên thiết bị di động thông qua kết nối Internet. Trong đó K+ sản xuất Live 1, 2, 3 để độc quyền phát trên hệ thống này.

Còn VTC có VTC Now phân phối nội dung đa phương tiện trên điện thoại, TV máy tính... SCTV cũng ra đời SCTV Online - dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet - thông qua hai nền tảng là ứng dụng di động SCTV Online và www.tv24.vn.

Đầu tư cho nội dung số

Theo thông tin từ công ty nghiên cứu và khảo sát thị trường Kanta Media, có 99% người Việt Nam xem tivi hằng ngày. Lượng người sử dụng Internet hằng ngày chỉ thấp hơn chút ít: 84%. Có đến 45% dân số trong độ tuổi 15-54 xem nội dung truyền hình và video theo yêu cầu. Các nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu tính theo lượng người sử dụng có thể kể đến là YouTube (87,3%), ZTV (26,4%) và FPTplay (8,2%).

Tại cuộc hội thảo Phát triển nội dung truyền hình giải trí trong bối cảnh chuyển dịch số ngày 8-6, nhà báo Đặng Diễm Quỳnh - trưởng ban VTV6 - cho biết năm 2018, VTV6 đẩy mạnh cuộc dịch chuyển số.

Bà lý giải: "Trong thời đại số, nhu cầu trò chuyện của con người lại càng lớn. Việc trao đổi, tương tác là nhu cầu không thể thiếu. Vì thế cần phát triển những chương trình mà ở đó tất cả mọi người cùng trò chuyện với nhau".

Cất cánh của VTV6 là một ví dụ. Khán giả xem Cất cánh không chỉ là những người ngồi trước truyền hình, mà có cả người theo dõi trên YouTube và Facebook.

Họ có thể tương tác cùng lúc với khách mời của chương trình thông qua câu hỏi và nhận xét trên Facebook của chương trình.

Để đạt được điều này thì những người thực hiện cũng phải chia làm hai êkip: làm cho truyền hình và sản xuất cho khán giả xem trên môi trường số. Điều này cách đây 5 năm hoàn toàn không có.

Sản xuất đã tốn kém, nhưng làm thế nào để níu giữ người xem chương trình trên hệ thống số lại không phải đơn giản.

Bà Diễm Quỳnh kể sau 5 năm đưa lên hệ thống số, Bữa trưa vui vẻ đạt được lượng thành viên theo dõi rất đông, nhưng hai năm sau con số ấy vẫn không tăng.

"Vì sao như vậy? Chúng tôi đi tìm câu trả lời và thấy rằng chương trình có lượng khán giả xem mới, nhưng cũng có đến 30% người xem rút lui".

Đối tượng khán giả nhí của thế hệ số cũng đang được ưu tiên. Bà Nhật Hoa - trưởng ban VTV7 - cho biết tháng 7 tới, nhà đài sẽ sản xuất một số chương trình dạy cảm thụ âm nhạc, dạy vẽ... độc quyền cho VTV giải trí.

Rõ ràng các nhà đài đang rất quan tâm đến nội dung online. Tuy nhiên, phát triển OTT như thế nào là tùy thuộc từng đơn vị.

Một đại diện đài truyền hình tham gia cung cấp OTT thẳng thắn: "Muốn có người xem thì bên cạnh kho nội dung cũ phải có những chương trình mới, lạ, đáp ứng thị hiếu của người xem số. Nhưng muốn làm được phải có kinh phí sản xuất. Với những đài chưa mạnh về tài chính thì khó mà làm được".

Còn ông Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - cho rằng: "Làm thế nào một chương trình truyền hình được đầu tư công phu có giá trị tiếp cận và tác động nhiều hơn với khán giả là mong muốn của những người sản xuất truyền hình. Tuy nhiên dù giải trí nhưng chúng tôi vẫn phải giữ giá trị nội dung của mình, chứ không chạy theo thị hiếu của khán giả bằng mọi cách".

Phim truyền hình Phim truyền hình 'made in VN' èo uột, xu hướng Việt hóa tăng

TTO - Các đoàn phim truyền hình đang tiếp tục sản xuất những bộ phim mới, cho dù năm nay được dự báo lại là một năm khó của phim truyền hình.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,251,077       1,303