Sống khỏe

Siết cho vay bất động sản, ngân hàng đẩy vốn cho đối tượng đặc thù

TTO - Song song với việc siết tín dụng vào kênh bất động sản, các ngân hàng đang tích cực tìm các đối tượng riêng để đẩy mạnh cho vay do thời gian gần đây tín dụng đang có xu hướng tăng chậm lại.

Siết cho vay bất động sản, ngân hàng đẩy vốn cho đối tượng đặc thù - Ảnh 1.

Các ngân hàng đang khai thác các đối tượng cho vay mới để thúc đẩy tín dụng. Trong ảnh là khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sau đối tượng là doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công xây lắp, Ngân hàng SeaBank hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhựa và thương mại hạt nhựa với tỉ lệ cho vay tối đa lên tới 90% giá trị định giá bất động sản, tỉ lệ chiết khấu bộ chứng từ lên tới 100%. 

Tài sản thế chấp ngoài bất động sản còn có thể là hàng hóa gồm hạt nhựa, thành phẩm nhựa tồn kho, quyền đòi nợ hình thành trong tương lai…

Trong khi đó VPBank lại hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ với cơ chế tiếp cận vốn thoáng hơn khi không cần tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay thấp hơn đến 1,5% so với lãi suất thông thường. Hạn mức vay tín chấp đến 5 tỉ đồng.

Nói về lý do hướng đến đối tượng này, ông Đào Gia Hưng, phó giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank, cho biết theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), VN hiện có khoảng 96.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, chiếm 21% tổng số DN vừa và nhỏ. 

Khó khăn hàng đầu của những doanh nghiệp này vẫn là tiếp cận vốn do thiếu tài sản thế chấp và chưa chứng minh được các phương án kinh doanh khả thi.

Sau khi giải quyết được bài toán về vốn thì việc điều hành doanh nghiệp liên quan đến quản trị, chiến lược nhân sự, quản lý hàng tồn kho, dòng tiền và tính toán lợi nhuận… cũng là những vấn đề không đơn giản. 

Do vậy ngân hàng đã hướng đến đối tượng đặc thù này để cho vay cũng như có chương trình hỗ trợ riêng cho đối tượng này.

Trước đó nhiều ngân hàng cũng đưa ra hàng loạt chương trình cho vay lãi suất "mềm" với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chẳng hạn như HDBank triển khai gói sản phẩm ưu đãi lãi suất 6%/năm cố định trong 2 tháng đầu, hoặc 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. 

Cuối  tháng 5, lãi suất huy động tại một số ngân hàng cũng tiếp tục giảm khoảng 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn trước áp lực đầu ra và các ngân hàng khuyến khích dân gửi tiền kỳ hạn dài.

Việc giảm lãi suất huy động cũng là nhằm giảm giá thành vốn để ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh. 

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,256,070       1,607