Sống khỏe

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết

Hiện nay, miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào chính hè... là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh.

Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay ghi nhận 20.522 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) và 4 trường hợp tử vong do SXH (tại Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa). So với cùng kỳ năm 2017 số mắc giảm 41,4%, số tử vong giảm 8 trường hợp.

Dù số mắc SXH chưa có dấu hiệu gia tăng trong các tháng đầu năm và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017, nhưng hiện nay miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, miền Bắc vào chính hè... là điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển mạnh. Nếu không tích cực chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, nguy cơ phát triển nhanh các ổ dịch bệnh dẫn đến bùng phát dịch là rất cao.

Để chủ động phòng chống dịch, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống SXH, xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống SXH tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở.

Bộ cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động hưởng ứng cao điểm Ngày ASEAN phòng, chống SXH (15/6) trong tháng 6. Đến nay đã có 19 tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai hoạt động hưởng ứng ngày này. Các tỉnh, thành phố khác cũng đang tích cực chuẩn bị.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức 8 đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Theo Cục Y tế dự phòng, đến nay, biện pháp phòng bệnh SXH chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp sau:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/ bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,258,667       1,341