Sống khỏe

Quản lý ngành phân phối, nhiệm vụ bất khả thi?

TTO - Dự thảo “Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối” (NĐPP) của Bộ Công thương soạn thảo có nhiều quy định bất cập khiến không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ e ngại về tính khả thi của nghị định này.

Quản lý ngành phân phối, nhiệm vụ bất khả thi? - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opmart TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Nghe nói ban quản lý chợ phải lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt hay sao đó. Vậy bao nhiêu năm nay chợ này chưa có ai quản lý hay sao? Rồi tiểu thương tụi tôi lâu nay đóng thuế, đóng phí cho Ban quản lý chợ cũng không được thừa nhận à?", chị Nguyễn Thu Thủy, kinh doanh thực phẩm khô gần 30 năm tại chợ N.V.T (Q.3, TP.HCM) thắc mắc.

Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ (siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm...) dự thảo còn đưa ra nhiều quy định "oái oăm" hơn. Chẳng hạn như quy định siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà. Hoặc chỉ được tổ chức khuyến mãi, bán giảm giá 3 đợt/năm với thời lượng tối thiểu 30 ngày/đợt và phải cách nhau ít nhất 30 ngày qua từng đợt, là rất vô lý.

"Không có siêu thị nào không có dịch vụ giao hàng tận nhà. Nhưng cũng có siêu thị kinh doanh theo mô hình bán sỉ họ không nhận giao tận nhà vào thời điểm Tết vì vượt quá khả năng phục vụ của họ. Đây chỉ đơn thuần là hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, can thiệp quá sâu một cách bất hợp lý như vậy để làm gì?", giám đốc phụ trách tiếp thị của một hệ thống siêu thị trong nước bức xúc.

Theo dõi các phản ứng từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cả ý kiến phản biện của các bộ/ngành có liên quan, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết dự thảo NĐPP được xây dựng dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 11-2017 với yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các Nghị định đã được ban hành từ giai đoạn 2003-2009 về phát triển và quản lý chợ.

"Đây chỉ mới là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét", theo đại diện Bộ Công thương. 

Cũng theo vị đại diện này, Bộ hoan nghênh mọi ý kiến góp ý để xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ...

Nhưng thực tế mà Bộ Công thương muốn hướng đến và thực tiễn của các doanh nghiệp đang đối mặt lại là một khoảng cách rất lớn. Để xóa bớt được "độ vênh" không cần thiết này, tư duy của người soạn luật, làm luật ở cơ quan chức năng đang là một thách thức vô cùng khắc nghiệt, không chỉ với doanh nghiệp, mà với cả nền kinh tế quốc gia trước nhu cầu hội nhập ngày càng bức thiết...

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,277,373       1,754