Sống khỏe

Gặp người ghen tuông mù quáng, làm sao phòng tránh?

TTO - Vụ giết người tình kinh hoàng do ghen tuông ở Q. Gò Vấp, TPHCM đã gây chấn động xã hội. Một số câu hỏi đặt ra: Vì sao lại dã man như vậy? Ghen tuông là gì mà dẫn đến thù hận như thế? Làm sao phòng tránh?

Gặp người ghen tuông mù quáng, làm sao phòng tránh? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan (Trường ĐH Nguyễn Huệ, Đồng Nai) phân tích sự ghen tuông theo một số nét biểu hiện và đề xuất những kỹ năng phòng ngừa cần thiết sau đây:

Nhận diện sự ghen tuông mù quáng

- Người ghen tuông mù quáng thì luôn cho rằng người yêu là thuộc quyền sở hữu của mình nên họ không cho bất kỳ ai có thể xâm phạm. Kể cả một số người khi đã chia tay, nhưng vẫn ngự trị trong đầu suy nghĩ đó.

Trong các mối quan hệ thì bản thân kẻ hay ghen tuông mù quáng này thường so sánh và cho rằng mình giỏi hơn bất kỳ đối thủ nào khác và không ai có thể yêu người tình hơn mình. Đồng thời sự ghen tuông thường xuất phát từ việc cảm thấy không chắc chắn, không yên tâm về tình cảm của phụ nữ dành cho mình, tâm lý chưa thật sự tự tin vào bản thân mình và chưa tự tin vào người bạn gái của họ, luôn mất niềm tin vào bản thân.

- Sự ghen tuông mù quáng bị những cảm xúc tiêu cực lấn át lý trí, họ thường căm ghét tất cả những người bạn khác giới khi quan hệ với người yêu của mình, thậm chí là cả những người thân quen. Họ không phân biệt đúng - sai, phải - trái, luôn gây ra cảm giác ngột ngạt, khó chịu trong quan hệ tình cảm giữa hai người.

Ghen tuông mù quáng còn dẫn đến sự hoang tưởng, như nhiều người lầm tưởng ghen mù quáng sẽ có tác dụng bảo vệ hạnh phúc đôi lứa, song đó cũng chỉ là sự mê muội, mù quáng. Họ thường tự ti, mặc cảm khi bị chia tay hoặc có một người thứ 3 xen vào. Sự ghen tuông mù quáng thường làm cho người ta ở trạng thái cảm xúc bi quan, bất an, lo lắng và dễ rơi vào trạng thái hận thù.

- Có tâm lý muốn kiểm soát tất cả những hành động của bạn tình và thường là "thị uy" tất cả các đối tượng khác phải bất khả xâm phạm, là biểu hiện rõ nhất của sự ghen tuông mù quáng. Tất cả nhất cử nhất động của bạn tình đều muốn nằm trong sự quản lý độc quyền tuyệt đối, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai đều có sự theo dõi nhất định.

Vì thế, làm cho bạn tình trở nên ngột ngạt, thất vọng và mất niềm tin. Khi mà đỉnh điểm của nó là những hành vi mất tính người. Ghen tuông dễ dẫn đến hành vi bạo lực dã man, ghen tuông quá mức dễ tạo hành động hành vi bạo lực trong nam giới. 

Đặc biệt khi mất kiểm soát sự ghen tỵ của mình và sự thất vọng hay mất tin tưởng lại càng đổ thêm dầu vào lửa, một số biểu hiện như tạt a xít, giết bạn tình bằng hành động mất nhân tính như phân xác, bắt bạn tình phải chết cùng…

Cần có những kỹ năng ứng phó nhất định

Sự ghen tuông mù quáng luôn là một triệu chứng của sự yếu kém tinh thần và là sự ích kỷ của cá nhân một cách thái quá.

Trong tình yêu, ghen ở mức độ vừa phải cũng là một trạng thái cảm xúc cần có để thể hiện và khẳng định mối quan hệ với người mình yêu, nó là chất xúc tác, gia vị, đôi khi giúp hâm nóng tình yêu, làm cho tình yêu thêm thi vị, nhờ đó mà tình cảm đôi lứa thêm nồng đượm.

Do vậy, để những người trong cuộc không dẫn đến những cơn ghen mù quáng và dẫn đến thù hận thì cần chú ý những kỹ năng sau đây:

1. Kỹ năng nhận diện: Muốn vậy, phải nhận diện được mức độ quan hệ tình cảm của mình, phải tôn trọng bạn tình và phải chấp nhận những điều có thể xảy ra trong quan hệ tình cảm.

Đặc biệt, cần luôn giữ trạng thái cân bằng, đừng tuyệt đối hóa bản thân cũng như tuyệt đối vào tình yêu để khi thất bại hoặc xảy ra biến cố rồi lại hành động tiêu cực. Hãy nghĩ đến hậu quả của sự ghen tuông mù quáng để suy nghĩ một cách tích cực và sáng suốt.

2. Kỹ năng làm chủ cảm xúc: Trong bất kỳ tình huống nào cũng cần phải làm chủ được cảm xúc. Tình yêu cũng khiến người ta làm được điều kỳ diệu những cũng khiến người ta hủy hoại bản thân, hủy hoại cuộc sống.

Vì vậy, khi rơi vào trạng thái như (bị người yêu bỏ, khi không hợp nhau…) thì cần phải bình tĩnh để xem xét lại mọi sự việc cũng như bản thân phải xem lại mình. Cách tốt nhất là cần cân bằng lại cảm xúc, đừng để cảm xúc tiêu cực ngự trị trong quan hệ tình cảm.

3. Kỹ năng điều chỉnh hành vi: Đừng vì quá lụy tình trong cơn ghen tuông mà dẫn đến thù hận và phải trả giá. Tình yêu sẽ rất bền vững nếu được xây dựng trên nền những tình cảm tích cực và sự đồng điệu cảm xúc hai giới. Tuy nhiên, khi có quá nhiều yếu tố cản trở và mâu thuẫn nhau thì sẽ dẫn đến chia tay, mỗi người một ngã.

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận việc đổ vỡ trong tình yêu đôi lứa. Đừng để bản thân lún sâu trong trạng thái thất tình, khiến bản thân bị tổn thương nhiều hơn. Mỗi lần thất bại trong tình yêu hãy coi đó là bài học, là kinh nghiệm và cũng là một lần để điều chỉnh bản thân mình sống tốt hơn. Khi tình yêu không còn, bạn nên sẵn sàng chấp nhận mà không nên níu kéo làm gì bởi có cố gắng thì cũng khó mà tái hợp được.

Ngược lại, những bạn gái cũng cần phải hết sức tỉnh táo, cẩn trọng trong quan hệ tình cảm. Đừng có một cử chỉ, hành vi nào để bạn tình của mình quá kỳ vọng và khi họ không đạt được mục đích thì họ có thể hành động bằng mọi giá.

Phải hết sức tỉnh táo, khi không còn tình yêu nữa thì nên bày tỏ thẳng thắn và cũng nên tránh để người tình cũ rơi vào trạng thái thất vọng, chán chường, bất an, mất niềm tin rồi dẫn đến hành vi liều lĩnh.

Khi tình cảm đã kết thúc, thì không nên một thân một mình đi với người yêu cũ với bất cứ lý do gì, bởi có quá nhiều điều nguy hiểm rình rập khi chỉ còn lại hai người. Đừng để đối phương làm hại bản thân dù đó chỉ là chút cơ hội nhỏ.

Gặp phải những người ghen tuông mù quáng và dẫn đến thù hận, phải làm sao? Bạn có đồng ý với tư vấn 3 kỹ năng phòng tránh của giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoutre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Ghen tuông có đáng sợ không? Ghen tuông có đáng sợ không?

TTO - Người ghen tuông nghĩ mình đang yêu, nhưng thật ra người đó chỉ muốn tìm sự an toàn nội tại cho chính mình mà thôi.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,279,075       814