Sống khỏe

Cúm A (H1N1) lây truyền nhanh và mức độ nguy hiểm như thế nào?

Vừa qua tại TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch cúm A(H1N1) tại khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ với 23 trường hợp có triệu chứng nhiễm siêu vi hô hấp, trong đó, 16 người được xác định dương tính với cúm A/H1N1.

Cúm A (H1N1) lây truyền nhanh và mức độ nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Thông tin này khiến nhiều người dân lo lắng về sự nguy hiểm của chủng cúm này.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), nhưng cúm A(H1N1) cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính.

Đường lây truyền của cúm A(H1N1)

- Vi rút cúm A(H1N1) có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm mùa. Bệnh thường qua không khí có chứa các giọt bắn nhỏ li ti của người bệnh khi ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.

- Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt.

- Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A(H1N1).

- Bệnh rất dễ lây thành đại dịch, tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp khoảng 1- 4%.

Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng

- Sốt trên 38 độ C, ớn lạnh;

- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược;

- Bệnh nhân thường ho khan, sổ mũi;

- Đau hoặc viêm họng; nhức đầu, đau nhức cơ;

- Một số trường hợp có thể tiêu chảy, ói mửa;

Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi…

- Hàng ngày người dân nên sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.

- Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cơ thể, ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm.

- Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

- Người dân có thể đi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm để giúp phòng bệnh.

- Những trường hợp có biểu hiện sốt cao, khó thở… cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan; phòng tránh các biến chứng nặng của bệnh.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,286,220       903