Sống khỏe

Sẽ chế tài trường tuyển thí sinh dưới 10 điểm

TTO - Ông Trần Anh Tuấn - vụ phó vụ giáo dục ĐH Bộ Giáo dục và đào tạo, đã công bố thông tin trên tại hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018 cho các trường phía Nam diễn ra ở TP.HCM sáng 6-6.

Sẽ chế tài trường tuyển thí sinh dưới 10 điểm - Ảnh 1.

Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo ông Trần Anh Tuấn, thống kê đến thời điểm này cho thấy số thí sinh tăng hơn so với năm ngoái khoảng 80.000 thí sinh với hơn 2 triệu nguyện vọng. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.

Cập nhật danh sách trúng tuyển để lọc ảo

Năm nay phần mềm xét tuyển sẽ chạy chung trên cả nước với 365 mã ngành tuyển sinh.

Cũng như năm 2017, năm nay sẽ có hai nhóm xét tuyển phía Bắc và phía Nam. Hiện đã có 83 trường đăng ký vào nhóm xét tuyển lọc ảo phía Nam, do ĐH Quốc gia TP.HCM chủ trì.

Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng xét tuyển đã đăng ký, có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng, tăng số nguyện vọng nếu có nhu cầu.

Nếu thí sinh nào tăng thêm số nguyện vọng thí sinh phải làm phiếu điều chỉnh nguyện vọng đến các trường THPT nộp. Mỗi nguyện vọng tăng thêm thí sinh phải nộp thêm 30.000 đồng.

Đối với thí sinh giữ nguyên nguyện vọng, chỉ thay đổi thứ tự các nguyện vọng có thể thực hiện theo hai phương thức điều chỉnh trực tuyến bằng tài khoản đã được cấp hoặc điều chỉnh bằng phiếu.

Cũng như năm 2017, năm nay các trường tiếp tục được xét tuyển nhiều đợt trong năm đến 31-12-2018.

Ông Tuấn cho biết: "Điểm mới của năm nay là trước 10 ngày của mỗi đợt tuyển sinh các trường phải cập nhật đề án đưa lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Đồng thời cập nhật danh sách sinh viên xác nhận học lên cổng thông tin của bộ, góp phần lọc ảo".

Theo quy định, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia (mỗi thí sinh chỉ có một giấy chứng nhận kết quả thi với mã vạch riêng) tới trường đã mình trúng tuyển.

Nếu thí sinh mất giấy chứng nhận kết quả thi có thể đến sở GD-ĐT địa phương xin cấp lại. Khi cấp lại sẽ có mã vạch mới và mã vạch cũ sẽ bị khoá, không còn hiệu lực. Hệ thống chỉ sử dụng mã vạch cấp sau. Vì vậy không có tình trạng thí thí sinh báo mất nhưng trong tay vẫn còn giấy chứng nhận kết quả thi bản chính.

Năm 2017, có hiện tượng một số trường chấp nhận bản photo giấy chứng nhận kết quả thi dẫn đến tình trạng ảo trên hệ thống, nên năm 2018 Bộ GD-ĐT sẽ theo dõi kỹ, thanh tra việc các trường yêu cầu thí sinh phải nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.

Sẽ có biến động lớn trong điều chỉnh nguyện vọng

Ông Trần Anh Tuấn dự báo năm nay sẽ có biến động lớn trong thời điểm điều chỉnh nguyện vọng, vì đây là năm thứ hai áp dụng quy định này.

"Trong đợt đăng ký xét tuyển tháng 4-2018, có rất nhiều thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng. Việc này không phải thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng mà chỉ đăng ký để được quyền dự thi và sẽ điều chỉnh sau khi biết điểm thi.

Vì vậy công tác điều chỉnh nguyện vọng trong thời gian tới sẽ khá phức tạp. Nhiều khả năng ngày 10-7, các địa phương sẽ công bố điểm thi THPT quốc gia", ông Tuấn nhận định.

Đến ngày 30-7, các trường chốt danh sách thay đổi nguyện vọng. Bộ GD-ĐT lưu ý các trường công bố ngưỡng đầu vào trước 19-7. Bộ sẽ công bố phổ điểm sau khi có kết quả thi và đó là căn cứ quan trọng để các trường đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm tối thiểu để nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển).

Bộ GD-ĐT khuyến cáo các trường không nên công bố ngưỡng đảm bảo quá chi tiết mà chỉ nên công bố mức chung.

Việc rà soát thông tin của thí sinh như: kết quả sơ tuyển, điểm năng khiếu, điểm ưu tiên, tuyển thẳng... các trường phải thực hiện trước 17h ngày 31-7.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được miễn thi THPT quốc gia và tính là 10 điểm nhưng quy chế thi cũng nhấn mạnh thí sinh muốn sử dụng kết quả thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường đại học phải đăng ký dự thi môn này.

Nhiều khả năng sau đợt 1, một số trường sẽ hạ thấp ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để tuyển đủ chỉ tiêu. Bộ cũng đưa ra cảnh báo trường nào công bố ngưỡng xét tuyển quá thấp, ví dụ 3 môn dưới 10 điểm sẽ bị chế tài và công bố tên các trường này.

Bên cạnh đó, các trường cũng không được sử dụng các tổ hợp lạ để xét tuyển, ví dụ xét tuyển ngành công nghệ thông tin bằng tổ hợp văn - sử - địa.

Số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng 40.000

Ông Nam Nhật Minh - Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết đến nay đã hoàn thành huy động 214 trường ĐH, CĐ có nhóm ngành đào tạo giáo viên với 45.000 cán bộ giảng viên được điều động về các địa phương hỗ trợ công tác coi thi.

Tuy nhiên một số trường gặp khó khăn trong việc điều động cán bộ coi thi. Có trường có tới 500 cán bộ giảng viên cơ hữu nhưng chỉ huy động được 50-70 cán bộ. Điều này khiến Bộ GD-ĐT rất bị động.

Hiện nay, 925.964 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, tăng khoảng 5% so với năm 2017, trong đó 688.610 thí sinh đăng ký tham gia xét tuyển, tăng hơn năm ngoái hơn 40.000.

Có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên; 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội. Nguồn tuyển đối với các trường khoa học xã hội khá cao.

Hơn 2,7 triệu nguyện vọng xét tuyển đại học 2018 Hơn 2,7 triệu nguyện vọng xét tuyển đại học 2018

TTO - Theo số liệu do Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm 2018 thí sinh đăng ký 2.750.444 nguyện vọng xét tuyển, tăng 7,1 % so với năm trước.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,288,185       1,568