Sống khỏe

Giáo viên nông thôn Trung Quốc bị còng tay vì biểu tình

TTO - Thời gian gần đây, hàng loạt giáo viên vùng nông thôn Trung Quốc xuống đường biểu tình đòi tăng lương và nâng cao điều kiện làm việc. Hình ảnh họ bị cảnh sát địa phương đàn áp gây sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng.

Giáo viên nông thôn Trung Quốc bị còng tay vì biểu tình - Ảnh 1.

Bức ảnh một nữ giáo viên Trung Quốc bị cảnh sát khống chế lan truyền truyên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc

Giữa cơn bão truyền thông, các cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc đổ hết lỗi cho chính quyền địa phương vì đã không thực hiện tốt chỉ đạo của trung ương, để giáo viên phải làm việc trong điều kiện khó khăn!

Theo báo Mainichi của Nhật, tin tức về biểu tình ở Trung Quốc thường bị kiểm duyệt rất nghiêm ngặt, do đó những thông tin và hình ảnh xuất hiện thời gian gần đây dường như có sự chỉ đạo của chính phủ Bắc Kinh với mục đích giúp công chúng xả cơn giận và xiết chặt kiểm soát đối với chính quyền địa phương.

Theo thông tin lan truyền trên mạng, giáo viên nông thôn ở nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã xuống đường biểu tình từ hồi tháng 4 năm nay, trong đó có An Huy, Sơn Tây, Hồ Nam...

Tại thành phố Lu'an thuộc tỉnh An Huy, khoảng 200 giáo viên đã diễu hành về phía tòa thị chính vào ngày 27-5. Họ yêu cầu được nâng lương lên 20.000 nhân dân tệ/năm (hơn 3.120 USD) - tương đương mức các đồng nghiệp của họ ở các khu vực khác được nhận.

Người biểu tình đã xô xát với cảnh sát địa phương và khoảng 10 người bị bắt giữ. Tấm hình cảnh sát bẻ tay một nữ giáo viên ra sau lưng và còng tay một giáo viên nam lan truyền nhanh chóng trên mạng.

Truyền thông Trung Quốc được bật đèn xanh lập tức lên tiếng chỉ trích hành động bạo lực, và kết quả là nhiều địa phương Trung Quốc phải lên tiếng xin lỗi. Thành phố Lu'an thì bào chữa rằng "đó là hành động của một vài cảnh sát cá biệt".

"Đằng sau vụ việc là sự thiếu ý thức pháp luật của những người có trách nhiệm" - tờ nhật báo Guang Ming viết.

Tại các thành phố lớn như thủ đô Bắc Kinh hay Thượng Hải, giáo viên nhận lương tháng trung bình khoảng 6.000 tệ (hơn 936 USD), nhưng lương ở các vùng nông thôn thường thấp chưa bằng một nửa con số đó.

Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị là vấn đề nan giải ở Trung Quốc trong một thời gian dài. Sự khác biệt càng kéo giãn do ngân sách địa phương mỗi lúc một can kiệt do kinh tế đang trong giai đoạn trì trệ.

Theo lý giải của tờ Nhân dân Nhật báo, chính phủ Bắc Kinh đang thúc đẩy cải thiện đời sống cho dân vùng nông thôn, nhưng vài chính quyền địa phương quá bất tài để thực thi chính sách trung ương giao phó, và điều này dẫn đến sự bất mãn trong ngành giáo dục.

Theo báo Mainichi, hồi tháng 1, Bắc Kinh công bố ý định trao cho giáo viên trường công các cấp tiểu học và trung học cơ sở ở các tỉnh thành chức danh "công chức nhà nước". Đây dường như là nỗ lực tăng cường kiểm soát đối với giáo viên của chính phủ trung ương.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,304,828       1,294