Sống khỏe

Ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn nạn quốc gia

TTO - Các đại biểu dự hội thảo Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilông khó phân hủy đều nhìn nhận ô nhiễm rác thải thựa, túi nilông đã ở mức "khủng khiếp", trở thành vấn nạn quốc gia.

Ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn nạn quốc gia - Ảnh 1.

Ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilông ngập tràn ở ven biển huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa - Ảnh: QUANG THẾ

Sáng 4-6, tại hội thảo Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilông khó phân hủy tổ chức tại Bình Định, PGS.TS Võ Văn Toàn, Trường đại học Quy Nhơn khẳng định rằng phải gọi đúng mức độ ô nhiễm túi nilông hiện nay đã ở mức cực kỳ nghiêm trọng và rất khủng khiếp. 

"Ở tất cả tỉnh thành, chỗ nào cũng thấy tràn lan rác thải túi nilông" - GS.Toàn nêu.

Còn GS.TS Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đưa ra những con số chứng minh: khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. 

Năm 2014, toàn thế giới đã sản xuất 314 triệu tấn nhựa để phục vụ nhu cầu của con người và con số đó sẽ ngày càng tăng theo đà tăng dân số và nhu cầu cao trong đời sống. 

Dự báo tới năm 2050, toàn cầu có thể sản xuất tới 1.124 triệu tấn nhựa, tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức và thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây "ô nhiễm trắng".

PGS.TS Võ Văn Toàn - trường đại học Quy Nhơn khẳng định, phải gọi đúng mức độ ô nhiễm túi nilông hiện nay cực kỳ nghiêm trọng và rất khủng khiếp - Video: XUÂN LONG

"Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn/năm, mỗi năm tăng thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Do tác động của nước biển, của tia cực tím, rác nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người" - bà Chi nêu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng cùng với sự phát triển dân số và kinh tế, số lượng chất thải nhựa và túi nilông phát sinh tại Việt Nam gia tăng nhanh khủng khiếp. Ông Nhân cho biết, từ số liệu điều tra cho thấy lượng chất thải nhựa và túi nilông chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.

"Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Chất thải nhựa và túi nilông do con người thải trực tiếp hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống sông, ao hồ cống rãnh... tác động trực tiếp và gián tiếp đến chất lượng môi trường sống và sức khỏe con người" - ông Nhân nêu.

Ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn nạn quốc gia - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilông hiện ở khắp mọi nơi, đều ở mức khủng khiếp - Ảnh: XUÂN LONG

Ông Nguyễn Thành Yên, phó vụ trưởng vụ quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) cho biết, về quản lý túi nilông, đã có các công cụ quản lý như thuế bảo vệ môi trường, vừa tăng thu ngân sách, vừa hạn chế sản xuất túi nilông khó phân hủy và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng "không vì túi nilông tiện dụng, rẻ mà cứ lạm dụng, cần nghiên cứu để có lộ trình cụ thể, đến một lúc nào đó không sử dụng túi nilông nữa".

Đưa câu chuyện tác hại túi nilông lên mạng xã hội

Bà Đặng Hương Thảo, phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn nêu thực tế lo ngại khi túi nilông được phát, sử dụng ở khắp mọi nơi.

"Mua sản phẩm gì cũng túi nilông, một cái bánh mì trong siêu thị cũng có túi nilông. Vì vậy, cần truyền thông để thay đổi nhận thức từ nhà sản xuất tới người dân. Hãy sử dụng mạng xã hội, Facebook đưa những câu chuyện về tác hại sử dụng túi nilông trong cộng đồng, biến thành những câu chuyện tác hại thực tế để mọi người cùng tiếp cận" - bà Thảo nêu gợi ý.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,309,059       2,223