Sống khỏe

Âm nhạc của những người không muốn trở thành một món McDonald's

TTO - Nếu như trong ngành thực phẩm có đồ ăn nhanh thì trong âm nhạc cũng có âm nhạc nhanh - những công thức tạo hit dễ thẩm thấu và cũng chóng bị quên.

Âm nhạc của những người không muốn trở thành một món McDonalds - Ảnh 1.

Kacey Musgraves, Lê Cát Trọng LýHoàng Quyên những sứ giả của nhạc chậm

Đối lập với âm nhạc nhanh là âm nhạc chậm - âm nhạc của những người không muốn trở thành một món McDonald's âm thanh.

Kacey Musgraves nói: "Một số kiểu người có ác cảm với âm nhạc của tôi. Nhưng thế cũng không sao hết. Tôi không muốn là món McDonald's trong âm nhạc". Còn ở làng nhạc Việt, Lê Cát Trọng Lý bày tỏ: "Tôi thấy may vì mình khác biệt... Tôi muốn mình đi chầm chậm, vừa đi vừa tích lũy".

Cả hai nghệ sĩ ấy, họ đều là minh chứng điển hình cho những kẻ đứng trước hai ngả đường, đã chọn "lối ít người phiêu lãng".

Kacey Musgraves - Space Cowboy

Với Golden Hours, những nhà phê bình cho rằng album “có lẽ sẽ thành kinh điển này” giống như một lời nhắc nhở rằng nếu bạn nhìn đúng chỗ, bạn sẽ thấy cuộc đời thật đẹp

1 Kacey Musgraves chỉ ra đời trước Taylor Swift một năm, 1988.

Cùng thuộc một thế hệ, cùng thành danh nhờ ôm guitar hát nhạc country như những cô cao bồi miền Tây nước Mỹ, nhưng khi mà Swift đã từ bỏ hình tượng nàng công chúa mới lớn để hóa thân thành siêu sao nhạc pop giữa thế giới phù hoa thì Musgraves vẫn trăn trở trong những giấc mơ đồng quê có khi tươi vui có khi day dứt.

Và tràn ngập tình yêu.

Golden Hours - album mới của Musgraves, tựa như một ngày hè đồng nội vùng Tennessee, nơi những nỗi buồn thảm đột ngột trở nên vô dụng và thời khắc ấy chỉ nên dành để nắm tay nhau và nhìn những bông hoa nở. Musgraves kể một thứ tình yêu tuổi trẻ mơ màng, nơi tình yêu thăng hoa bất chấp "anh không thể bay và em cũng vậy".

Rồi cô dìu dặt dẫn người nghe vào địa giới của những điều bình dị xinh đẹp, như cầu vồng sau mưa, như đôi mắt của người tình rộng như thiên đường, như những buổi tối hẹn hò với chàng Elvis của mình.

Trong thế giới của Musgraves, người ta chỉ cần buộc lại con thuyền, cởi áo khoác, nhìn quanh là đã thấy vô vàn điều kỳ diệu chưa từng được thấy.

Golden Hours - album mới của Musgraves

2 Với Lê Cát Trọng Lý, từ đầu đến cuối hành trình âm nhạc của cô là một cuộc bơi ngược dòng như loài cá hồi dũng cảm.

Sau chưa đầy một năm kể từ khi Không sao về bắt đầu phát hành, vừa qua album này đã được tái bản, chứng tỏ sức hút của Lý là ngọn lửa không cần cháy bùng lên nhưng luôn âm ỉ.

Lý có nhiều cách để album đến với nhiều người hơn, nhưng cuối cùng cô vẫn chỉ chọn bán Không sao về bắt đầu ở fanpage của mình.

Chênh Vênh - Lê Cát Trọng Lý

Âm nhạc của cô vẫn thế, tức là vẫn trầm tư mà trong trẻo, vẫn những ca từ có cấu trúc mịn màng như một bài thơ nhưng khi tách bạch từng câu thì ý nghĩa có chiều trúc trắc, đa tầng nghĩa.

Dàn nhạc ngũ tấu cùng bộ kèn, bộ gõ bỏ vào nhạc của Lý những lớp âm thanh mà người ta có thể nghe trong một buổi chiều hôm ở làng quê trên miền núi cao hoang vu.

Đồng thời, dàn nhạc dày ấy lại không hề lấy đi sự thuần khiết vẫn quen thuộc trong hình ảnh Lý một mình bên guitar và hát.

3 Ngoài Lê Cát Trọng Lý, còn có Hoàng Quyên là người không chịu thuộc về dòng chảy nhạc trẻ đương thời mà chọn hát những bản nhạc jazz nhuốm màu mật ngọt của Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh.

Anh thợ ảnh của Hoàng Quyên

Như trong ca khúc Anh thợ ảnh - người đàn ông luôn nhắc người phụ nữ của mình phải mỉm cười, dẫu cuộc sống còn lắm chuyện buồn cỏn con, thứ âm nhạc của Kacey Musgraves hay Lê Cát Trọng Lý, Hoàng Quyên là tiếng cười khe khẽ giữa thế giới âm nhạc đang được sản xuất tràn lan trên dây chuyền kiểu McDonald's.

'Con chim già ngất ngư' của Lê Cát Trọng Lý cháy vé

TTO - Từ Copenhagen (Đan Mạch), Lê Cát Trọng Lý loan báo sẽ trở về Việt Nam để thực hiện hai đêm nhạc 'Con chim già ngất ngư'.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,318,401       1,878