TTO - Chính trường Myanmar có một phen rúng động khi Tổng thống rồi Chủ tịch Hạ viện bất ngờ từ chức mà lý do gần như không được biết đến công khai.
Ông U Win Myint - Chủ tịch Hạ viện Myanmar rời phiên họp Hạ viện tại Naypyitaw ngày 11-3-2016 - Ảnh: REUTERS
Ông U Win Myint - Chủ tịch Hạ viện Myanmar đã từ chức sau 2 năm đảm nhiệm cương vị này. Phó Chủ tịch Hạ viện T Khun Myat đã phát đi thông báo trên trong một phiên họp ngày hôm nay (21-3), không lâu sau khi có thông tin Tổng thống U Htin Kyaw từ chức vì lý do sức khỏe.
Ông U Win Myint được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Myanmar từ tháng 2-2016. Hiện chưa rõ lý do ông U Win Myint từ chức.
Chánh Văn phòng Tổng thống Myanmar, ông U Zaw Htay cho biết theo qui định của Hiến pháp Myanmar, Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe sẽ đảm nhận vị trí quyền Tổng thống cho tới khi tìm được lãnh đạo mới trong vòng "7 ngày làm việc" tính từ ngày hôm nay (21-3).
Ông U Htin Kyaw được bầu làm Tổng thống Myanmar từ ngày 15-3-2016. Ông là Tổng thống dân sự đầu tiên của nước này kể từ năm 1960 và là một trong những đồng minh thân cận của Cố vấn Nhà nước, bà Aung San Suu Kyi - nhân vật nổi tiếng thế giới về hoạt động đấu tranh vì dân chủ.
Những diễn biến nhân sự cấp cao bất ngờ trên chính trường Myanmar không khỏi khiến người ta liên kết với cuộc khủng hoảng Rohingya - cộng đồng người Hồi giáo có nguồn gốc từ Bangladesh đang bị xem là bị quân đội Myanmar đàn áp và phải chạy tị nạn ồ ạt sang Bangladesh và một số quốc gia lân cận khác.
Cuộc khủng hoảng này đang có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát của chính quyền dân sự mà đại diện tiêu biểu là bà Aung San Suu Kyi - nhân vật được thế giới tôn vinh vì đấu tranh cho công bằng, dân chủ.
Đã có những tiếng nói chỉ trích cho rằng bà Aung San Suu Kyi đang thỏa hiệp với các hành động tấn công, đẩy đuổi người Rohingya và thậm chí bà Suu Kyi đang bị lên án.
Cũng trong ngày hôm nay, hai nhà báo của hãng tin Reuters là Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi đã phải ra tòa tại Rangoon. Đây là phiên xử thứ 14 sau 100 ngày họ bị bắt giữ với cáo buộc nắm giữ tài liệu mật của chính phủ.
Cả hai nhà báo người Myanmar của hãng tin Reuters, chuyên về theo dõi cuộc xung đột với người Rohingya, đã bị bắt vào ngày 12-12-2017, với cáo buộc hoạt động gián điệp, theo luật thực dân năm 1923.
Ngoài ra, vào ngày 20-12-2017, Chính phủ Myanmar còn chấm dứt 3 năm hợp tác với bà Yanghee Lee - nữ báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Quyết định mới nhất này đã tạo ra một khoảng cách rõ ràng và đáng lo ngại đối với cộng đồng quốc tế.