TTO - Ông Vladimir Putin lại thắng cử với những 76% số phiếu, cho một nhiệm kỳ dài sáu năm nữa. Một thực tế mà cách đây hơn ba thập kỷ, sau khi Liên Xô sụp đổ và bước vào con đường mới, không ai có thể ngờ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước công chúng tại Matxcơva ngày 18-3 - Ảnh: REUTERS
Con đường mới đó được ấn định bởi bản hiến pháp tháng 12-1993 với chế độ tổng thống và Viện Duma (quốc hội) như ở các nước khác.
Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên đã diễn ra vào năm 1996 với các ứng cử viên Boris Yeltsin (tổng thống Nga sau khi Liên Xô tan rã), Gennady Zyuganov (Đảng Cộng sản LB Nga), Alexander Lebed, Grigory Yavlinsky, Vladimir Zhirinovsky, Svyatoslav Fyodorov, Martin Shakkum, Yury Vlasov, Vladimir Bryntsalov, Aman Tuleyev và cả ông Mikhail Gorbachev (chủ tịch Liên Xô cuối cùng).
Trong cuộc bầu cử "trăm hoa đua nở" này, phần thắng đã thuộc về ông Yeltsin. Ba năm ngắn ngủi trào tổng thống Yeltsin sau cuộc bầu cử năm 1996 là quãng thời gian mà quyền lực luôn bị rung chuyển, với các thủ tướng Viktor Chernomyrdin, Sergey Kiriyenko, Yevgeny Primakov, Sergey Vadimovich Stepashin, trước khi được trao cho ông Vladimir Putin vào ngày 16-8-1999.
Và rồi bằng sự quyết đoán của mình, ông Putin đã trụ lại và giải quyết cuộc khủng hoảng ly khai ở Chechnya, các mớ bòng bong phe phái - tiền bạc, tống giam không ít người, trong đó có không ít tỉ phú đôla mới phất, xử lý các gánh nợ của ông Yeltsin để lại và từ 10 năm qua đang chinh phục lại lãnh thổ Liên Xô đã mất...
Hành trình này của Putin khiến tờ Time 19-3-2018 chạy tít: "Putin tin rằng sứ mệnh của mình là làm cho nước Nga vĩ đại trở lại! Và ông ta mới chỉ bắt đầu thôi đấy!".
Thông tấn xã Anh Reuters kết luận bằng tựa rất sát thực tế: "Putin dễ dàng thắng thêm một nhiệm kỳ 6 năm, nắm chặt nước Nga".
Nước Nga hay nước Mỹ có trở lại vĩ đại hay không, đó là chuyện phúc phần của dân chúng các nước ấy. Song, rõ ràng hình ảnh một Putin đang được nêu ra, thậm chí từ sau vụ Gruzia cách đây 10 năm và vụ Crimea cách đây 4 năm, được sử dụng như một tiền lệ kích thích những ai muốn dựng lên câu chuyện "đòi đất đã mất" dưới sự đồng tình của một số cường quốc hay nhóm lợi ích.
Trên bình diện lịch sử, ở những xã hội như Pháp cũng đã trải qua những năm tháng này, thậm chí không chỉ một lần mà nhiều lần.
Cuộc cách mạng 14-7-1789 đã không đem lại ngay một xã hội thái bình thịnh trị như sau này, trái lại đã trải qua 13 chế độ cầm quyền khác nhau, trong đó có 5 nền cộng hòa, 2 đế chế.
Sự tiếp nối hết nhà cầm quyền này tới nhà cầm quyền khác được giải thích bởi những cuộc chính biến hay những chiến thắng và thất bại quân sự dẫn tới sự sụp đổ của nhà cầm quyền.
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ kết thúc năm 1865 song đến ngày 2-7-1964, đạo luật "Quyền dân sự" chấm dứt sự phân biệt chủng tộc mới được tổng thống Lyndon B. Johnson ký ban hành.
Ấy vậy mà ngày 4-4-1968, mục sư Luther King - người đã khởi sự từ phong trào chống kỳ thị trên xe buýt - cũng đã bị ám sát.
La Mã hay Paris không thành hình chỉ trong một ngày là như thế.