Sống khỏe

Khách ngoại than khó tiêu tiền khi du lịch Việt Nam

TTO - Trong khi khách Việt Nam ra nước ngoài đang tăng chi, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không có nhiều cơ hội tiêu tiền, thời gian lưu trú ngắn.

Khách ngoại than khó tiêu tiền khi du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tìm hàng mua sắm tại chợ đêm bên hông chợ Bến Thành, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du lịch Việt Nam 6 ngày 5 đêm, gia đình anh Min-jun (Hàn Quốc) dành ngày cuối cùng ở VN để 6 người đi mua sắm. Tới chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM), cả nhà chỉ mua được một ít hạt sen khô, cà phê...

Không biết mua gì, chơi gì

Anh Min-jun cho hay: "Tôi đã muốn mua thêm hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm nhưng chất lượng các món quà không tốt, lại phải trả giá nữa...".

Anh Tâm Bùi (tác giả nhiều cuốn sách về du lịch) cho biết đi nhiều nước mới thấy du lịch xứ họ tạo cơ hội cho khách xài tiền như thế nào, trong khi ở Việt Nam muốn xài nhiều người cũng không biết xài gì.

"Quà lưu niệm các nước rất đẹp, đa dạng. Giá không hẳn quá rẻ nhưng cứ luôn thôi thúc mình mua. Tôi không biết ở Việt Nam có đội ngũ nào nghiên cứu quà lưu niệm cho khách không, nhưng rõ ràng chúng ta đang thiếu quà tặng đẹp, tiện lợi", anh Tâm Bùi nói.

Chị Thảo, nhân viên một công ty quảng cáo ở TP.HCM, cũng than khó chọn quà lưu niệm "chỉ Việt Nam có".

Chị thường chọn bộ tượng 3 cô gái ba miền hoặc bộ dán tủ lạnh cô gái áo dài. Ngay cả chợ Bến Thành với nhiều sạp bán hàng sơn mài, hàng lưu niệm, hàng gỗ, tre..., việc chọn được mặt hàng thẩm mỹ cao, đậm chất Việt Nam cũng không dễ. Nhiều nhất là quần áo, lụa... tỉ lệ mua phải hàng "Made in China" rất cao.

Phần nhiều doanh thu về tay doanh nghiệp ngoại?

Kết thúc năm 2017, lượng du khách quốc tế đến TP.HCM tăng hơn 1 triệu khách so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 6,4 triệu lượt khách (tăng 22,8%), nhưng doanh thu chỉ tăng gần 12.000 tỉ đồng (tăng 12,6%).

Theo đại diện Sở Du lịch TP.HCM, một trong những lý do doanh thu tăng không tương xứng là sự bùng nổ của các dịch vụ du lịch trực tuyến. Các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành thất thu do khách thường chủ động mua tour, vé máy bay và đặt khách sạn qua hình thức trực tuyến với các DN nước ngoài.

Du khách quốc tế đến mua sắm ở TP.HCM chủ yếu chọn chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố hoặc một vài trung tâm như Taka Plaza, Sài Gòn Square... Nhưng vào các điểm này, điều du khách "ngán" là phải trả giá.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, thừa nhận hiện nay các điểm mua sắm của TP.HCM không tập trung, quy mô nhỏ lẻ, xe lớn chở khách khó tiếp cận. Việc hình thành các trung tâm mua sắm hàng "Made in Việt Nam" phục vụ khách du lịch rất cần thiết nhưng TP.HCM lại thiếu.

Cần thay đổi...

Theo ông Trần Văn Long, tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, hiện độ dài lưu trú của khách đến TP.HCM khoảng 2,6 ngày là khá ít.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng thành viên Lửa Việt Tour, cho rằng muốn khách ở lại lâu, tăng chi tiêu, Việt Nam cần phát triển các dịch vụ du lịch đa dạng trong ngày, để thời điểm nào khách cũng có thể tiêu tiền.

"Phải đảm bảo hàng là sản phẩm "Made in Việt Nam", mức giá hợp lý. Xây dựng trung tâm mua sắm lớn rồi phải kiểm soát vận hành để khách an tâm tiêu tiền. Thành phố cũng cần có biện pháp quản lý đầu vào hàng hóa cũng như giá cả bán cho du khách, tránh cảnh giành giật khách, chụp giật", ông Mỹ lưu ý.

Xem lại chính sách visa

Ông Kenneth Atkinson, chủ tịch Hãng kiểm toán Grant Thornton Việt Nam - đơn vị thực hiện nhiều cuộc khảo sát về du lịch Việt Nam, cho rằng hiện khách ngoại tới Việt Nam từ Trung Quốc vẫn nhiều nhất, tiếp theo là khách Hàn Quốc, Nga...

Phần lớn khách đến từ những thị trường này thường mua tour trọn gói, đi theo nhóm, tiêu dùng khá ít.

Ông Atkinson cho rằng để tăng mức chi tiêu của khách du lịch, Việt Nam cần tập trung vào nhóm khách có tính chi tiêu cao nhưng điều này đòi hỏi chính sách miễn thị thực phải kéo dài hơn.

Diễn đàn sáng kiến phát triển du lịch TP.HCM

Từ ngày 20-3 đến 1-4-2018, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn trực tuyến trên chuyên trang Du lịch nhằm tiếp nhận các sáng kiến, góp ý, kiến nghị phát triển ngành du lịch TP.HCM trong mối quan hệ kết nối du lịch vùng.

Diễn đàn hướng đến khai thác tối đa tiềm năng du lịch TP.HCM, trong đó có việc kéo dài thời gian lưu trú, cải thiện môi trường du lịch, cung cấp thêm sản phẩm, dịch vụ mới... Đặc biệt, diễn đàn còn đề cập vấn đề phát huy thế mạnh TP.HCM là trung tâm du lịch vùng, liên kết TP.HCM với các địa phương, để cùng phát triển du lịch, kinh tế.

Các cá nhân có đóng góp hay, hữu ích, thiết thực sẽ được ghi nhận, trao quà thưởng và mời tham dự diễn đàn "TP.HCM - kết nối du lịch vùng" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 4-4 tại White Palace (TP.HCM). Diễn đàn sẽ có hơn 200 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TP.HCM, Sở Du lịch và Sở Văn hóa - thể thao, các doanh nghiệp trên cả nước...

Các sáng kiến xin vui lòng gửi về một trong hai địa chỉ sau:

- Email: diendandulich@tuoitre.com.vn

- Chị Bông Mai - phòng truyền thông sự kiện, báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,187,213       650