Sống khỏe

Sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục

TTO - TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung cải cách hành chính bởi cải cách thủ tục hành chính là động lực của nhiều đột phá, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển hơn nữa.

Sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với doanh nghiệp tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp trên địa bàn TP năm 2018 sáng 17-3 - Ảnh: TỰ TRUNG

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và các doanh nghiệp trên địa bàn vào sáng 17-3 với chủ đề "Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển TP.HCM nhanh, bền vững". 

Cũng theo ông Nhân, trong tháng 10-2018, TP sẽ tổ chức Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ nhất và tổ chức thường xuyên để tích hợp sáng kiến, trí tuệ của tất cả các giới nhằm phát triển TP.HCM.

Cần loại bỏ những thủ tục lỗi thời

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đến nay có 674 dự án trên địa bàn được vay vốn theo chương trình kích cầu của TP với tổng số vốn 44.400 tỉ đồng (trong đó có vốn đối ứng của doanh nghiệp). 

"Cứ 1 đồng vốn ngân sách thu hút được 15 đồng vốn xã hội, như vậy vốn mồi ngân sách nhà nước đã góp phần kích cầu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư rất lớn" - ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, từ cuối năm 2017, UBND TP đã có nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành xây dựng kế hoạch truyền thông cho các chương trình kích cầu. 

"Thực tế có dự án được cho vay lên đến 300 tỉ đồng (quy định chương trình 100 tỉ đồng), nếu doanh nghiệp gặp khó cứ liên hệ tôi" - ông Liêm nói.

Dù thừa nhận TP có khá nhiều chương trình hỗ trợ kích cầu nhưng ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ tịch Hội Doanh nghiệp Q.8, cho rằng do tuyên truyền chưa tốt nên không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vì thiếu thông tin, nhiều chương trình hỗ trợ không đến được với doanh nghiệp.

"Ngay như quyết định mới quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, theo tôi biết, chỉ có vài trường hợp được hỗ trợ, một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế" - ông Dũng nói.

Ngoài ra, thủ tục hành chính để tiếp cận được các khoản hỗ trợ cũng khá phức tạp. Với những doanh nghiệp muốn cải tạo nhà máy, nâng cấp công nghệ thì cơ quan quản lý bắt làm lại hồ sơ từ đầu. 

Doanh nghiệp mới như doanh nghiệp khởi nghiệp thì lúng túng, không biết làm sao cho đúng trong khi đầu mối chỉ dẫn lại rất tản mạn.

Do đó, ông Dũng đề nghị TP.HCM cần lập ra một tổ chức, đầu mối hướng dẫn tiếp cận các chương trình hỗ trợ cụ thể. Bản thân Sở Công thương cũng phải tổ chức công tác tập huấn, thông tin cho doanh nghiệp.

Khẳng định các thủ tục hành chính hiện nay có cải thiện hơn trước rất nhiều nhưng bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết một số cơ quan ban ngành vẫn còn tồn tại tình trạng cán bộ có thái độ ứng xử không tốt, quan liêu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến sự chuyển động của chính quyền không đi vào được cuộc sống.

"Đề nghị TP nhân rộng việc chấm điểm trực tiếp cán bộ qua phần mềm thay vì hòm thư góp ý, điện thoại đường dây nóng. TP nên lập tổ công tác riêng như Tổ công tác của Thủ tướng với nhiệm vụ thường xuyên rà soát, kiến nghị trung ương loại bỏ những quy định lỗi thời, cũng như lắng nghe và phối hợp với doanh nghiệp" - bà Chi đề xuất.

Phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp lớn

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Hàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP, cho biết một số quy định trong lĩnh vực đấu thầu hiện nay chưa phù hợp, chưa tạo cơ hội cho doanh nghiệp TP tham gia các dự án đầu tư công, doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc hoặc chỉ được là nhà thầu phụ ngay trong chính các dự án đầu tư công của TP.

"TP nên có quy định riêng theo hướng ưu tiên doanh nghiệp TP tham gia nhận thầu. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp TP liên kết để tham gia dự thầu. Cử đại diện hiệp hội tham gia ngay từ đầu khi xây dựng các dự án đầu tư công" - ông Hàn kiến nghị.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị đến lúc TP khởi động lại chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực, tập hợp những doanh nghiệp đầu ngành. Từ đó có thể hình thành những mạng lưới sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đây cũng là điều trăn trở của TP. Theo nghị quyết, TP.HCM quyết tâm trở thành trung tâm thương mại của khu vực. Nhưng trước hết phải là trung tâm mua sắm đúng nghĩa, đòi hỏi gắn liền với khâu sản xuất, các thương hiệu lớn.

Dẫn kết quả bình chọn gần đây của một tạp chí về 40 thương hiệu mạnh của VN, trong đó TP.HCM chỉ có 4 thương hiệu dù số lượng doanh nghiệp TP.HCM chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp cả nước, ông Phong cho rằng: "Đó là một vấn đề chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta nói đến năng lực cạnh tranh nhưng thương hiệu lại làm chưa tốt".

Cũng theo ông Phong, các doanh nghiệp FDI đang làm ăn, kinh doanh tại VN khá tốt nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp trong nước cũng phải được tạo điều kiện như thế. 

Trong mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế tương đối cao, lấy thước đó hài lòng thủ tục hành chính làm chỉ số phát triển, TP.HCM vừa công bố đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Trong năm 2018, theo ông Phong, ban điều hành sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp cấp TP là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP; xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; xây dựng trung tâm an toàn, an ninh thông tin. 

"Muốn xây dựng đô thị thông minh, nền tảng này phải làm được" - ông Phong khẳng định.

Chỉ thanh tra, kiểm tra một lần mỗi năm

Đó là cam kết của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trước cộng đồng doanh nghiệp TP, đồng thời khẳng định lãnh đạo TP sẽ giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế nắm bắt khó khăn của

doanh nghiệp.

Đặc biệt, sẽ phấn đấu thời gian để giải quyết thủ tục đầu tư của tổ công tác liên ngành về đầu tư giảm 50% so với quy định. Trong năm 2018, TP sẽ lập tổ liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng, đất đai cho doanh nghiệp.

Bàn cách tăng thu cho ngành du lịch

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Kỳ, tổng giám đốc Vietravel, cho rằng ngành du lịch TP đang vướng cơ cấu sản phẩm hiện chưa ổn, tất cả từ 7h sáng đến 5h chiều, trong khi chỉ số thu hút khách quay lại lần hai, thể hiện sức phát triển bền vững của du lịch lại phụ thuộc sản phẩm từ 18h đến 2h sáng thì TP chưa có.

Nếu làm tốt sản phẩm này, người dân sẽ đầu tư mạnh dạn hơn, khách sẽ được hưởng lợi, Nhà nước có thêm nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương hiệu du lịch của TP đang khá lúng túng. Dù chiếm hơn 40% lượng khách cả nước và là một điểm đến lớn, nhưng xúc tiến quảng bá của TP mắc bệnh chung của các nước là rất hời hợt ở nước ngoài.

Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Du lịch TP cần phải tính toán cụ thể, làm sao cải thiện chất lượng khách, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao tổng doanh thu của toàn ngành, bởi nếu tính theo lượt khách mà sáng khách đến và chiều quay ra thì không thực chất.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,188,532       514