TTO - Những người bảo vệ 'nóc nhà thế giới' đã bắt đầu chiến dịch dọn dẹp nhằm giải phóng núi Everest khỏi 100 tấn rác thải.
Khoảng 1,2 tấn rác thải được thu gom từ Everest nhưng vẫn còn khoảng 100 tấn trên núi - Ảnh: AFP
Các hướng dẫn viên địa phương, còn gọi là Sherpa, đã làm công việc dọn dẹp rác trong nhiều năm qua nhưng hiện nay chiến dịch đang được điều phối bởi Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagamatha (SPCC).
Sagamatha là tên người dân địa phương gọi núi Everest. Tuy nhiên các Sherpa vẫn là những người thu gom rác ở các khu vực rất cao.
BBC đưa tin, trong ngày đầu tiên (17-3), khoảng 1,2 tấn rác đã được vận chuyển bằng đường không từ sân bay Lukla ở Everest về thủ đô Kathmandu của Nepal để tái chế.
Các du khách và người leo núi được yêu cầu không xả rác trên núi nhưng mỗi năm các Sherpa vẫn thu gom hàng tấn rác.
Năm nay, chiến dịch dọp dẹp nóc nhà thế giới tập trung thu gom các loại rác thải có thể tái chế được với sự hỗ trợ của hãng hàng không tư nhân Yeti. Hãng này cũng sẽ tiếp tục giúp vận chuyển rác liên tục trong năm.
Hầu hết các loạt rác bị bỏ lại trên núi là vỏ lon hoặc chai nước, hộp đựng thức ăn và các thiết bị leo núi, phổ biến nhất là các bình oxy vốn rất cần thiết cho việc leo núi trên cao.
Theo SPCC, hơn 100.000 người đến khu vực núi Everest trong năm ngoái, trong đó khoảng 40.000 người tham gia leo núi hoặc đi bộ.
Không chỉ rác thải công nghiệp, SPCC và các Sherpa còn phải giải quyết các chất thải sinh học của quá nhiều du khách trên núi. Năm 2015, hiệp hội leo núi Nepal cảnh báo phân người trên núi đã trở thành một vấn nạn y tế.
Kể từ đó, SPCC đã cho xây các nhà vệ sinh di động xung quanh các khu vực cắm trại phổ biến của người leo núi.
Số người leo núi quá nhiều cũng dẫn đến các lo ngại về an toàn, buộc chính quyền Nepal năm ngoái phải cấm người leo núi đi một mình và khách nước ngoài phải đi cùng một Sherpa.