Sống khỏe

Người Nhật nộp thuế cho quê hương

TTO - Chính sách này tiếng Nhật gọi là Furusato Nozei, dịch nôm na là “nộp thuế cho quê hương”. Thực chất đây không phải là một loại thuế phải nộp, mà chỉ mang tính chất tự nguyện.

Người Nhật nộp thuế cho quê hương - Ảnh 1.

Những hộp dâu chất lượng cao được tỉnh Saga gửi tặng những người đã "nộp thuế cho quê hương"

- Ảnh: PHƯƠNG MAI

Ý tưởng của loại thuế đặc biệt này là khuyến khích những thanh niên từ nông thôn ra thành phố làm việc có thể đóng góp một phần tài chính để phát triển quê hương, nơi mình đã từng sử dụng các tiện ích y tế, giáo dục... khi còn bé. 

Đổi lại, họ sẽ nhận được "quà cảm ơn" là đặc sản từ các vùng mà mình đã gửi tiền đóng góp, đồng thời sẽ được khấu trừ thuế.

Tiết kiệm... thuế

Ở Nhật, ngoài thuế thu nhập, người lao động còn bị trừ thêm một khoản thuế gọi là "thuế cư trú". Khoản thuế cư trú này được các địa phương dùng để phát triển y tế, giáo dục, xây dựng công viên, bể bơi, dọn dẹp rác thải... 

Tính trung bình thì với một người mới ra trường có mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng, thì số tiền "thuế cư trú" phải nộp hằng năm sẽ lên tới 16-17 triệu đồng. Một số tiền không hề nhỏ!

Chính vì thế mà ở Nhật người dân rất quan tâm đến các cách để "tiết kiệm thuế", và một trong những cách được ưa chuộng gần đây là sử dụng chế độ "nộp thuế cho quê hương". 

Khi đóng góp tiền cho một vùng, miền nào đó thông qua chế độ này, bạn sẽ nhận được "quà cảm ơn" từ các vùng mà mình đã gửi tiền đóng góp.

Quà cảm ơn của mỗi vùng là khác nhau, thường sẽ là nông sản, đặc sản của vùng đó như gạo, thịt bò Wagyu, nho, dâu tây, rượu, nước quả, vé khu nghỉ dưỡng... Các phần quà này thường có giá trị bằng 30-50% phần tiền đóng góp. 

Chẳng hạn, khi đóng góp 2 triệu, thì bạn sẽ nhận được một phần quà là 4 hộp dâu tây loại ngon mà bình thường bạn có thể mua với giá khoảng... 1 triệu.

Ngoài phần quà cảm ơn này ra, bạn sẽ được khấu trừ một số tiền thuế tương ứng với phần tiền mà bạn đã đóng góp. 

Thông qua chế độ này, thuế sẽ được chuyển từ các thành phố lớn tập trung đông dân như Tokyo, Osaka... sang các địa phương ít người (nên ít thuế) hơn và giúp họ có đủ ngân sách để phát triển kinh tế.

Thuận tiện

Tuy là một chế độ điều chỉnh thuế, nhưng với trình độ thương mại điện tử cực kỳ phát triển, người Nhật đã biến nó thành một hình thức mua sắm cực kỳ đơn giản, chẳng khác với việc bạn ngồi ở nhà và mua sắm online là bao. 

Hiện có khá nhiều website cho phép đăng ký Furusato Nozei do các công ty khác nhau vận hành, trong đó có cả trang web mua sắm trực tuyến cực kỳ gần gũi với hầu hết người Nhật đó là Rakuten.

Để tham gia, bạn chỉ cần vào website, chọn các món quà cảm ơn mà mình muốn nhận (có ghi sẵn giá). Món quà cảm ơn sẽ được chuyển tới nhà bạn và phần tiền bạn thanh toán sẽ được chuyển tới địa phương nơi gửi quà cho bạn. Cực kỳ đơn giản!

Tuy gần đây cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều về loại thuế này, ví dụ như nó khiến các địa phương thay nhau đưa ra các món quà đáp lễ hấp dẫn để thu hút thuế về địa phương mình, khiến các địa phương có đông người sinh sống không đủ thuế để phát triển tiện ích công cộng. 

Nhưng nhiều người Nhật lại cho rằng đây là một hình thức tiết kiệm thuế cực hay, lại vừa là hình thức khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển nông sản để phát triển kinh tế.

Ai cũng có thể tham gia

Chính sách này tuy mang tên là "nộp thuế cho quê hương", nhưng thực chất bạn có thể gửi tiền đóng góp cho bất kỳ địa phương, vùng miền nào mà mình thích chứ không bắt buộc phải là nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Và tất nhiên, người nước ngoài cũng có thể sử dụng chế độ này.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,189,556       860