TTO - Mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, Nhà nước quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đấy là tinh thần cốt lõi của Luật Doanh nghiệp năm 1999.
Thủ tướng Phan Văn Khải hội kiến Tổng thống George W. Bush tại Phòng bầu dục của Nhà Trắng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ tháng 6-2005 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu bài của chuyên gia Phạm Chi Lan về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và dấu ấn của bộ luật quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Dấu ấn của Luật Doanh nghiệp
Một trong những nội dung lớn được Thủ tướng tập trung chỉ đạo là nghiên cứu, sửa đổi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (ban hành từ 1990-1991) nhằm thể chế hóa quan điểm đổi mới của Hội nghị Trung ương 4, đồng thời đáp ứng yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp.
Tổ soạn thảo được thành lập, gồm những người có tư duy đổi mới mạnh mẽ, đứng đầu là ông Trần Xuân Giá, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cùng một số cán bộ chủ chốt của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổ Chuyên gia tư vấn của Thủ tướng (PMRC) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Đây cũng là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp được Chính phủ mời tham gia soạn thảo luật.
Qua nghiên cứu thực tế trong nước và kinh nghiệm của nước ngoài, tổ này đề nghị hợp nhất cả hai luật nói trên thành Luật Doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các loại hình công ty doanh nghiêp tư nhân, còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nghiệp FDI vẫn có luật riêng.
Việc tiến tới một Luật Doanh nghiệp chung cho mọi thành phần kinh tế trên đất nước ta cũng được đặt ra nhưng cần thêm thời gian chuẩn bị.
Từ quan điểm đổi mới và niềm tin vào giới kinh doanh, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo việc xây dựng Luật Doanh nghiệp phải đảm bảo hai nội dung quan trọng nhất:
Thứ nhất: nguyên tắc mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật
Thứ hai: Nhà nước chuyển cách quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch.
Quá trình xây dựng Luật rất công phu. Ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng còn cho mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến và đưa dự thảo ra hỏi ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình.
Đến khi Chính phủ trình bày dự thảo Luật trước Quốc hội, ban đầu mọi việc hoàn toàn không dễ dàng.
Nhiều đại biểu đồng thời là cán bộ lãnh đạo ở các ngành và địa phương rất khó tiếp nhận tinh thần đổi mới của Luật, do chưa thoát khỏi nếp nghĩ theo cách quản lý nhà nước cũ, chưa tin vào doanh nhân, vào khả năng điều tiết của kinh tế thị trường trong môi trường cạnh tranh.
Chính phủ đã kiên trì giải trình. Sau một tuần thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết từng điều, từng chương của Luật Doanh nghiệp và ngày 29-5-1999 đã thông qua toàn văn với sự tán thành của 84,5% số đại biểu có mặt.
Luật Doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ 1-1-2000, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường và phát huy nội lực của Việt Nam.
Trảm giấy phép con
Dù vậy, việc tổ chức thực hiện Luật vẫn không đơn giản vì đụng chạm tới lợi ích cục bộ của không ít cơ quan và cán bộ nhà nước cũng như cách làm lâu nay của doanh nghiệp.
Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp vẫn do ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng với nòng cốt là những người đã tham gia xây dựng luật.
Công việc khó khăn, mất nhiều công sức nhất là rà soát các "giấy phép con" đã ban hành trước đây để kiến nghị bãi bỏ những giấy phép không phù hợp với Luật Doanh nghiệp.
Qua hai năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng đã bãi bỏ 145 giấy phép, các bộ bãi bỏ thêm 15 loại giấy phép khác, ngoài ra một số giấy phép được chuyển thành điều kiện kinh doanh.
Trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế…
Một số luật, pháp lệnh mới cũng được soạn thảo và ban hành, như Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về chống bán phá giá, về quyền tự vệ…
Tất cả những văn bản này đều được xây dựng trên tinh thần đổi mới tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999, đồng thời dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO mà nước ta đang đàm phán để gia nhập.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (thứ hai từ trái sang) tại buổi họp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định mừng xuân, mừng Đảng năm 2012 do Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức ngày 27-1-2012 - Ảnh: MINH ĐỨC
Cuối năm 2005, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp mới, đưa tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp FDI vào một khung pháp lý chung.
Luật mới này quy định doanh nghiệp nhà nước có thời hạn 4 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực (1-7-2006) để chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Luật Đầu tư mới cũng được ban hành năm 2005, tạo nên một khuôn khổ pháp lý thống nhất cho mọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, xóa bỏ sự phân biệt đối xử tồn tại nhiều năm trước đó.
Hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và nhất quán đã giúp nhiều cho việc thi hành Luật Doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và tạo thuận lợi cho việc nước ta được kết nạp vào WTO tháng 11-2006.
Cải cách thể chế và kinh tế tư nhân
Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải cầm quyền đều có sự đóng góp quan trọng của công cuộc cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt về thể chế cho phát triển khu vực tư nhân mà Thủ tướng dốc lòng xây dựng.
Với những trải nghiệm thực tế trong những năm công tác tại TP.HCM, nơi luôn có kinh tế tư nhân phát triển nhất trên đất nước ta, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã rất sớm có cách nhìn về kinh tế tư nhân khác so với những nhà lãnh đạo cao cấp cùng thời.
Ông không giáo điều, không định kiến "bóc lột" và e ngại, kìm hãm đối với khu vực này.
Vì vậy, ngay từ khi ra trung ương làm việc đầu thập niên 1990, ông đã hết sức cố gắng đưa những quan điểm mới vào các nghị quyết của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Trong các cuộc họp được tiến hành ở ba nơi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, ông Khải khẳng định mối quan hệ mới giữa Chính phủ và doanh nghiệp:
"Quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước; không có hàng rào ngăn cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp theo kiểu kẻ trên người dưới...
Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế chúng ta phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành phần thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp… Về phía doanh nghiệp và doanh nhân, phải kết hợp hài hòa lợi ích của mình với lợi ích của đất nước, của dân tộc, kinh doanh có phẩm chất đạo đức, không làm ăn kiểu chụp giật, xoay xở bất chính…".