Sống khỏe

Đề xuất cho cử nhân sư phạm đi dạy để 'trả nợ' vay học phí

TTO - Thay vì được miễn học phí, sinh viên được vay tín dụng sư phạm và sẽ không phải hoàn trả khoản vay này nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định.

Đề xuất cho cử nhân sư phạm đi dạy để trả nợ vay học phí - Ảnh 1.

Học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Khánh Hòa sáng 4-3-2018. Tại chương trình, nhiều học sinh thắc mắc cơ hội việc làm cho ngành sư phạm hiện nay? - Ảnh: THÁI THỊNH

Chiều 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Báo cáo thẩm tra cho rằng dự thảo luật mới chỉ là những quy định chung, chưa rõ yêu cầu, chính sách và đề nghị "sửa đổi chương nhà giáo một cách căn cơ, khẳng định vị thế của nhà giáo trong luật và thông qua hệ thống chính sách: từ đào tạo, bồi dưỡng đến thu hút, tuyển dụng, sử dụng, tiền lương, đãi ngộ, chế độ làm việc, thăng tiến... làm căn cứ để xây dựng Luật nhà giáo và pháp luật có liên quan, bảo đảm việc xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (trong các cơ sở giáo dục cả công lập và ngoài công lập) có chất lượng, đảm đương được trọng trách của mình".

Trước đó, trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục có ý kiến kiến nghị xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính.

Một trong những nội dung đáng chú ý nữa trong dự thảo dự án luật này là đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học viên, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Theo đó sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định thì sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể chế độ tín dụng sư phạm và chính sách bồi hoàn học phí đối với học viên, sinh viên sư phạm.

Về điều này, ông Phan Thanh Bình - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho biết có hai luồng ý kiến: ý kiến ủng hộ đề xuất thay thế chính sách miễn học phí bằng chính sách tín dụng, và ý kiến giữ nguyên chính sách miễn học phí. 

Quan điểm của ủy ban là dù thực hiện chính sách nào cũng vẫn cần làm tốt việc quy hoạch cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực giáo dục làm cơ sở để đầu tư đúng, đủ, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục được đề xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều. Đề xuất chế độ với nhà giáo và chính sách đối với sinh viên sư phạm là hai nội dung rất được chú ý.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,197,851       771