TTO - Từ lúc Trung Quốc nổ súng cho đến khi tàu chìm chỉ 5-6 phút. Tàu HQ604 chìm xuống biển mang theo hàng chục chiến sĩ trên tàu và những người lính công binh. Mọi thứ xảy ra rất nhanh, bất ngờ và thảm khốc.
Tàu HQ604 chìm xuống giữa Trường Sa mang theo nhiều người lính Việt Nam - Ảnh tư liệu
30 năm trước, ông Đoàn Hữu Thấn là trung sĩ, pháo thủ đi trên tàu HQ604. Đã 30 năm trôi qua, ông vẫn còn nhớ rõ buổi sáng 14-3-1988 tại Gạc Ma:
"Khoảng 6h sáng, Trung Quốc cho hàng chục xuồng máy, trên xuồng chở đầy lính chạy vòng quanh tàu HQ604 ngăn không cho lực lượng công binh mình tiếp tục lên đảo. Các tàu chiến của chúng thì yểm trợ ở khoảng cách 700-1.000m".
“Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh cho tàu HQ604 lao lên đảo nhưng không kịp. Anh hi sinh khi đang đứng trên cabin chỉ huy
Ông ĐOÀN HỮU THẤN
Bi kịch bất ngờ của tàu HQ604
Trong khi đó ở trên đảo, cuộc giằng co để bảo vệ cờ Tổ quốc giữa những người lính công binh Hải quân Việt Nam đi xây đảo với lính Trung Quốc diễn ra khốc liệt. Trong tay không một khẩu súng, những người lính công binh bảo vệ cờ Tổ quốc bằng tay trần, bằng cuốc, xẻng, gậy gộc.
7h sáng, Trung Quốc bắn thẳng vào những người lính Việt Nam trên đảo sau khi giằng co và uy hiếp không được.
"Chúng tôi không nghĩ ra đây để đánh nhau mà là ra để làm nhà trên đảo. Trên tàu chỉ có mấy khẩu súng AK và một khẩu súng máy tầm bắn 300m, một khẩu súng chống tăng tầm bắn 150m.
Khi Trung Quốc bắn lên đảo, thuyền phó phát cho chúng tôi mấy khẩu AK. Anh em công binh nhiều người quần đùi áo lót, không kịp mang súng, lao xuống biển để bơi vào đảo chi viện cho anh em.
Sau đó chúng bắn đủ loại đạn pháo lớn nhỏ vào tàu 604.
Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ ra lệnh cho tàu lao lên đảo nhưng không kịp. Anh hi sinh khi đang đứng trên cabin chỉ huy. Lửa đạn lóe lên đỏ rực, nổ đinh tai nhức óc. Con tàu cứ rung lên bần bật vì trúng đạn.
Chúng tôi bắn trả bằng mấy khẩu súng AK và một khẩu chống tăng B41 bắn sang khu trục hạm của chúng nhưng không đến được vì tầm bắn ngắn quá, chỉ có 150m" - ông Đoàn Hữu Thấn nhớ lại.
Trong một loạt đạn pháo bắn thẳng vào tàu HQ604, trung sĩ Thấn bị hất ngược vào bên trong cabin rồi văng vào phòng pháo 1, nằm ngất.
"Khi tỉnh dậy tôi thấy tàu nghiêng, vừa vọt ra cửa thì một loạt pháo nữa hất tôi văng vào cầu thang. Chạy lên được gần một nửa cầu thang thì tàu chìm. Mũi tàu dựng đứng lên. Nước đẩy tôi vọt lên rồi quăng xuống biển.
HQ604 là tàu vận tải nhỏ, chỉ có một lớp thép, bị trúng pháo to là xuyên thủng chìm ngay. Từ lúc Trung Quốc nổ súng cho đến khi tàu chìm chỉ 5-6 phút. Thậm chí tàu còn không kịp cháy thì nước đã ập vào khoang máy" - ông Thấn nhớ lại.
Tàu HQ604 chìm xuống biển mang theo hàng chục chiến sĩ trên tàu và những người lính công binh đang ở dưới khoang máy, dưới hầm. Có người đang ngủ sau ca trực, có người không kịp chạy lên.
Mọi thứ xảy ra quá nhanh, quá bất ngờ và thảm khốc.
Cựu pháo thủ Đoàn Hữu Thấn và thuyền trưởng HQ605 Lê Lệnh Sơn - hai người còn sống sót sau khi HQ604 và HQ605 bị bắn chìm - Ảnh: MY LĂNG
Số phận tương tự của tàu HQ605
Tại đảo Len Đao, tình huống cũng vô cùng căng thẳng xảy ra với tàu HQ605 chở hàng của Hải quân Việt Nam.
"Chúng tôi đến Len Đao từ trước 5h sáng 14-3 và thả neo ở đó. Sau khi thả neo xong, chúng tôi thả xuồng cho bộ đội lên đảo cắm cờ. Khoảng 7h sáng, tàu chiến Trung Quốc đến. Một tàu khu trục Trung Quốc tiến lại gần.
Khu trục hạm trang bị cả tên lửa, mở hết các bạt pháo ra. Tôi đứng trên đài chỉ huy theo dõi tàu Trung Quốc và quan sát nhóm anh em bảo vệ cờ trên đảo, bất ngờ nghe tiếng đạn pháo rất lớn vang lên ở phía Gạc Ma và Cô Lin.
Rồi tiếp đó là ánh lửa đạn lóe bùng lên. Chúng tôi biết ngay là Trung Quốc nổ súng bắn mình rồi. Nhìn qua ống nhòm thấy tàu HQ604 đang bốc cháy, tôi biết thế nào chúng cũng bắn mình nên ra lệnh cho tàu chuẩn bị lao lên đảo" - cựu thuyền trưởng tàu HQ605 Lê Lệnh Sơn nhớ lại.
Tuy nhiên, HQ605 chưa kịp lao lên đảo đã phải lãnh đạn từ tàu chiến Trung Quốc cách đó 1 hải lý. Đồng hồ điểm 8h05. HQ605 là tàu vận tải nhỏ, chỉ trang bị vũ khí nhẹ của bộ binh là súng AK và B40 tầm bắn rất ngắn.
Trung Quốc bắn thẳng vào khoang máy và đài chỉ huy khiến tàu không hoạt động được. Ngay loạt đạn đầu tiên, chúng đã bắn trúng khoang máy, một chiến sĩ hi sinh.
Đứng trên cabin chỉ huy nên thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn bị bỏng và bị thương ở đầu, chân. Thuyền phó Phan Hữu Doan bị bỏng toàn thân và gương mặt đầm đìa máu vì mảnh đạn găm vào mặt.
"HQ605 bốc cháy và có nguy cơ chìm xuống biển bất cứ lúc nào. Tôi buộc phải ra lệnh mọi người rời tàu và đưa các anh em bị thương xuống xuồng, bơi về đảo Sinh Tồn cấp cứu" - ông Lê Lệnh Sơn nhớ lại.
HQ605 chịu chung số phận với HQ604, chìm dần xuống biển ngay sát bãi cạn Len Đao. Cầm cự được mấy tiếng trên biển cùng đồng đội, khi vừa về đến đảo Sinh Tồn nhìn thấy đảo, thuyền phó Phan Hữu Doan mới trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng đội sau khi trăng trối: Hãy chôn anh ở đảo Sinh Tồn.
Toàn bộ diễn biến ngày 14-3-1988 không phải là một cuộc chiến mà là một cuộc thảm sát. Trung Quốc đã nổ súng trước và bắn tiêu diệt ba tàu vận tải Việt Nam, làm chìm hai tàu và giết chết 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Huy động lực lượng tàu chiến hùng hậu, vũ khí hạng nặng nhưng Trung Quốc chỉ chiếm được Gạc Ma. Dù trong tay chỉ có cuốc, xẻng, vũ khí thô sơ nhưng những người lính Hải quân Việt Nam đã không chùn bước, không bỏ đồng đội, không đầu hàng.
Cô Lin và Len Đao vẫn được những người lính Hải quân Việt Nam giữ vững.
Đi tìm dấu vết 604 và 605
Đại tá Nguyễn Văn Dân (nguyên phó tham mưu trưởng phụ trách tác chiến, huấn luyện của Vùng 4 Hải quân), người đã chỉ huy tàu HQ614 đi tìm dấu vết của HQ604 và HQ605 sau khi hai con tàu này bị chìm, kể lại:
"Khi chúng tôi đến nơi, sóng gió đã đánh bay, cuốn trôi tất cả dấu vết. Chúng tôi nghi ngờ HQ604 chìm ở độ sâu 1.000m nên mới không thấy vệt dầu nổi lên.
Gạc Ma và Cô Lin rất gần nhau, chỉ cách nhau một cái lạch nước.
Khoảng 10 năm sau mới xác định được vị trí tàu HQ604 chìm ở ngay cái lạch nước ấy! Tàu 605 thì chìm ở phía đông nam đảo Len Đao. Khi đến đây chúng tôi thấy ngay vết dầu nổi trên mặt biển...
Khi thả dây đo thì biết tàu chìm ở độ sâu 39m".
___________
Kỳ tới: "Biệt đội cảm tử"