Sống khỏe

Em gái mang thai hộ chị: hành trình tìm một thiên thần

TTO - Cô giáo Huỳnh Thị Sang (32 tuổi, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) đã vượt qua những ngày gian nan để giúp chị gái thỏa mong ước làm mẹ sau 13 năm chờ đợi.

Em gái mang thai hộ chị: hành trình tìm một thiên thần - Ảnh 1.

Chị Sang (bìa phải) cùng Kem và chị Lụa - Ảnh: NVCC

“Tôi muốn cháu tôi có cuộc đời tươi mát và ngọt ngào

Chị Huỳnh Thị Sang

Hi vọng vừa nhen lại tắt

Chị Huỳnh Thị Nhung Lụa ôm bé trai bụ bẫm trong lòng. 13 năm ròng rã cùng 7 lần nhờ y khoa can thiệp và chẳng biết bao nhiêu lần nguyện cầu, nhưng thiên chức làm mẹ vẫn chưa khi nào chạm ngõ nơi trái tim đầy trầm tư của chị. Thế rồi em gái đến, mang theo cho chị một thiên thần. "Tôi như người chết đuối vớ được phao" - chị Lụa nói.

Đi rất nhiều bệnh viện, chẳng biết bao nhiêu lần chị Lụa thực hiện chu trình chọc trứng ghép phôi. Chín phôi được ghép thành công. Niềm vui chưa kịp dài, nỗi lo lại dài hơn: Làm sao để phôi thành một "thiên thần"? 

Chị Sang đến nói với chị gái: "Hay chị gửi phôi em mang hộ xem có được không". Câu nói nửa đùa nửa thật ấy là khởi đầu hành trình vừa xúc động, vừa gian nan của hai chị em.

Bà Võ Thị Thanh, mẹ chị Sang, nhìn đứa trẻ bụ bẫm, nụ cười hiện diện trên môi. Trước đó, bà phản đối kịch liệt vì lo sợ khi Sang đã hai lần sinh mổ. "Tôi sợ nếu chẳng may xảy ra chuyện thì hai cháu tôi sống với ai!?" - bà Thanh trần tình. 

Chị Lụa nghe mẹ nói thấy có lý nên không còn tự tin vào ý tưởng của em gái. Nhưng chị Sang lại khác, vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ của chị gái. Bao nhiêu lần chị thủ thỉ với mẹ và bà Thanh đã xuôi lòng.

Thuyết phục mẹ xong, chị Sang tiếp tục thuyết phục chị Lụa để "thử vận may". Tháng 7-2015, chị Sang và chị Lụa vào TP.HCM thực hiện quy trình mang thai hộ. Thế nhưng... "bệnh viện không tiếp nhận hồ sơ. Bác sĩ phân tích rằng tôi đã sinh mổ hai lần, lần mang thai hộ này sẽ đẩy mạng sống của tôi vào nguy hiểm" - chị Sang kể.

Hi vọng vừa nhóm lên như ngọn đèn dầu lại vụt tắt vì gió trời. Chị Sang lại xin gặp riêng bác sĩ để tự "bảo lãnh" cho sinh mạng của mình nếu điều không may mắn xảy đến. Nhưng bác sĩ hỏi: "Ai sẽ chăm sóc hai con cho em nếu điều không may đến?". Chị Sang lặng thinh, còn chị Lụa nước mắt chảy dài. "Về em" - chị Lụa nói với em gái.

Chị Sang trấn an chị và trở về cho lộ trình chăm sóc sức khỏe của mình. Ba tháng sau, chị Sang vào TP.HCM hoàn tất hồ sơ pháp lý cho việc mang thai hộ. Một năm nghỉ dạy không lương để thực hiện mong ước làm mẹ của chị gái. 

Nhưng mọi chuyện đâu đơn giản. Một năm, trải qua năm lần kiểm tra y tế, sức khỏe của chị không cho phép bác sĩ thực hiện cấy phôi. Bác sĩ lại khuyên dừng, chị Sang lại thuyết phục để thực hiện lần cuối. Và chị Sang đủ điều kiện cấy phôi...

Em gái mang thai hộ chị: hành trình tìm một thiên thần - Ảnh 3.

Chị Huỳnh Thị Sang cùng hai con gái của mình và thiên thần Kem - Ảnh: NVCC

Kem của mẹ, Kem của dì

Hơn 10 ngày sau khi cấy phôi, chị Sang thấp thỏm chờ đợi. Cánh cửa khép lại khi que thử thai cho kết quả một vạch. "Lúc đó, tôi vứt que thử thai vào sọt rác. Tôi ngồi tư lự, không dám điện thoại báo cho chị gái. Tôi đã nghĩ số trời không cho phép chị tôi được làm mẹ. Ngồi một lúc, tôi lục sọt rác lấy que thử thai xem lại. 

Tôi thấy có vạch nhạt nhạt. Tôi cứ nghĩ mắt mình có vấn đề. Tôi tính gọi cho chị, nhưng rồi lại thôi vì sợ chị sẽ thất vọng. Tôi mang que ra trạm y tế nhờ y tá xem thử, y tá bảo có thai rồi. Tôi vẫn không dám nói với chị, mà đợi mấy ngày sau cùng chị đi xét nghiệm. Khi cầm kết quả trên tay, hai chị em cứ ôm nhau khóc" - chị Sang kể.

Suốt thời gian mang thai, hai chị em Sang sống trong niềm hạnh phúc vô bờ. Sinh linh bé nhỏ lớn dần, chị Sang đã chiến đấu thật sự để giữ cho mình thật khỏe. Vậy mà 37 tuần sau khi ghép phôi, chị Lụa đưa em gái vào viện khẩn cấp sau cơn đau bất ngờ. 

"Thai nhi yếu, có nguy cơ mất tim thai. Em gái vào phòng mổ, tôi ở ngoài cầu nguyện. Khi thấy dòng chữ thông báo sản phụ sinh con thành công chạy trên màn hình, tôi mới dám tin đó là sự thật" - chị Lụa nói.

Được làm mẹ tưởng chừng đơn giản hóa ra lại khó khăn rất nhiều. Hành trình ấy kết thúc để mở ra hành trình mới. Đó là ngày 17-1-2017. Chị Sang đặt tên thân mật cho cháu là Kem. 

"Tôi muốn cháu tôi có cuộc đời tươi mát và ngọt ngào" - chị Sang chia sẻ. Kem giờ đã chập chững bước đi, thiên thần bé nhỏ đã nói được vài từ đơn dị "ma ma" đủ khiến cả nhà ôm lấy và cười tươi.

13 tháng tuổi, Kem mang lại ngọt ngào cho gia đình bao nhiêu thì chị Sang lại cảm nhận sự đắng chát của cuộc đời tăng dần. 

Việc mang thai hộ là quá mới mẻ. Những tin đồn ác ý vẫn hướng về cô giáo trẻ. "Tôi vẫn tiếp tục bỏ qua những tin đồn ác ý. Chỉ chú tâm chăm sóc hai con và mong Kem khỏe mạnh. Hành trình của tôi đã đủ dài để không còn sân si với cuộc đời" - chị Sang trải lòng.

Thay đổi quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới Thay đổi quy trình thụ tinh ống nghiệm trên thế giới

TTO - Đó là nhận định của GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales (Úc), về nghiên cứu liên quan thụ tinh trong ống nghiệm của bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan - Hồ Mạnh Tường cùng các cộng sự.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,198,673       459