Sống khỏe

Phỏng đoán, nghi ngại quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều

TTO - Sau thông tin ông Trump nhận lời đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên, dư luận quốc tế luôn dõi theo nhất cử nhất động của sự kiện này.

Phỏng đoán, nghi ngại quanh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: REUTERS

Trước hết đài CNN (Mỹ) ghi nhận sự "đổi giọng" của ngoại trưởng Rex Tillerson trong ngày 9-3 khi ông đang ở Djibouti, trạm dừng chân mới nhất trong chuyến công du dài ngày tại châu Phi.

Nếu như trước đó ông Tillerson nói rằng các điều kiện diễn ra đối thoại Mỹ - Triều vẫn chưa chín muồi, thì nay, phát biểu trước báo giới tại Djibouti, ông lại nói việc tổng thống Donald Trump quyết định gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "không có gì đáng ngạc nhiên".

Ông Tillerson lý giải sự thay đổi bất ngờ này là "quyết định của tự thân tổng thống" sau khi đã cân nhắc vấn đề này trong một thời gian dài. Nó nảy ra sau thay đổi "khá kịch tính" từ động thái của ông Kim Jong Un, ông Tillerson giải thích.

Chưa rõ nhân sự tham gia gặp thượng đỉnh

Nhà Trắng tuyên bố "thời gian và địa điểm cuộc gặp sẽ được thu xếp sau", nhưng theo một nhà ngoại giao cao cấp của Nhà Trắng, địa điểm khả thi nhất là Nhà hòa bình, một tòa nhà hội nghị ở khu phi quân sự nằm tại biên giới liên Triều.

Tuy nhiên Nhà Trắng cũng chưa đả động việc những nhân sự nào sẽ tham dự cuộc gặp cùng với hai nguyên thủ. Một trở ngại lớn với Bộ Ngoại giao Mỹ trước cuộc gặp thượng đỉnh là thiếu các nhà ngoại giao cấp cao có kinh nghiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cho tới nay chính quyền của ông Trump vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ thường trực tại Hàn Quốc. Trong khi đó nhà ngoại giao cấp cao nhất chuyên về vấn đề Triều Tiên, ông Joseph Yun, tháng trước bất ngờ công bố quyết định nghỉ hưu.

Dù vậy, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết "chúng tôi rất sẵn sàng" trong việc xúc tiến vòng đàm phán. Nhà Trắng và Hội đồng An ninh Quốc gia sẽ nắm vai trò lĩnh xướng cuộc gặp thượng đỉnh lần này, vị quan chức cho biết. 

Theo đó Hội đồng An ninh Quốc gia dự kiến sẽ sớm có cuộc gặp với Bộ Ngoại giao để cùng lên kế hoạch triển khai.

Các khâu chuẩn bị về hậu cần, địa điểm và nhân sự đã được bắt đầu. Tuy nhiên theo báo New York Times, nhiều trợ lý cấp cao của tổng thống Trump vẫn ngờ vực về khả năng diễn ra cuộc gặp.

Nhiều quan chức cho rằng Mỹ vẫn cần thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với Triều Tiên để xác thực lại thông điệp từ ông Kim Jong Un đã được phái đoàn ngoại giao của Hàn Quốc chuyển tới ông Trump ngày 8-3.

Họ cảnh báo ông Kim có thể đổi ý hoặc phá vỡ cam kết trong chuyện dừng thử tên lửa, hạt nhân trong thời gian tiến hành đối thoại.

Đồng minh Mỹ ở châu Á quan ngại

Còn nhớ năm ngoái, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân rồi Tổng thống Donald Trump đe dọa đáp trả bằng "lửa và cuồng nộ", Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước lo ngại nhất về nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân ngay tại cửa ngõ nước mình.

Nhưng nay, khi tổng thống Trump chấp nhận đề nghị gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, một nỗi lo khác lại ập đến với các đồng minh của Mỹ tại châu Á.

Họ lo ngại tổng thống Trump có thể đưa ra những nhượng bộ mà các láng giềng của Bình Nhưỡng không thoải mái, hoặc giả thử các đàm phán thượng đỉnh thất bại, một lựa chọn quân sự sẽ lại được đặt lên bàn cân nhắc.

Bởi thế, ngay sau thông tin về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều được công bố, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu quan điểm đánh giá cao "sự thay đổi của Triều Tiên", cho rằng đây là kết quả của việc nghiêm túc phối hợp chiến dịch gia tăng sức ép trừng phạt của Mỹ, Nhật và Hàn lên Triều Tiên.

"Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục áp đặt sức ép tối đa cho tới khi Bình Nhưỡng có những động thái cụ thể tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa chứng thực được và không thể đảo ngược" - ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật bản cũng nhấn mạnh rằng "Nhật Bản và Mỹ đã, đang và sẽ luôn đồng quan điểm 100%" trong vấn đề này.

Ông Abe cũng cho biết sẽ tới gặp ông Trump tại Washington trong tháng tới để thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước khi tổng thống Mỹ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng cách nói của ông Abe cho thấy Nhật Bản lo ngại việc Triều Tiên có thể định nghĩa quá trình phi hạt nhân hóa theo cách hoàn toàn khác với nội hàm chung trong định nghĩa của phần còn lại thế giới.

Trong các bình luận do Nhà Trắng phát đi, một quan chức cấp cao giấu tên cho biết Tổng thống Donald Trump cũng đã điện đàm với ông Abe vào đêm 8-3. 

Theo vị quan chức này, chính quyền Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận có thể xác thực về quá trình phi hạt nhân hóa vĩnh viễn của Triều Tiên.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,200,781       407