Sống khỏe

Máy kiểm soát nồng độ cồn tự động 'khóa' xe máy

TTO - Thiết bị gắn trên xe máy giúp người uống rượu bia tự đo nồng độ cồn, nếu vượt mức cho phép xe sẽ không nổ máy và tự động báo về điện thoại cho người thân biết.

Máy kiểm soát nồng độ cồn tự động khóa xe máy - Ảnh 1.

Thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho lái xe khi sử dụng rượu bia được gắn trên đầu xe máy của Sỹ - Ảnh: L.T.

Với đề tài thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho lái xe khi sử dụng rượu bia, bạn Nguyễn Văn Sỹ, học sinh lớp 11/2 Trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã ẵm giải nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018.

“Mình mong muốn thiết bị sẽ được hoàn thiện hơn với những chức năng mới như kiểm tra tình trạng sức khỏe người lái xe gồm đo mạch tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể

NGUYỄN VĂN SỸ

Gần gũi với cuộc sống

Sỹ kể từ cuối lớp 10, khi nhà trường phát động phong trào sáng tạo, Sỹ hình thành nhiều ý tưởng nhưng muốn phải tạo ra một thiết bị gì gần gũi với cuộc sống thường nhật quanh mình hơn. Bạn kể nhiều lần thấy người thân trong gia đình cũng như hàng xóm thường hay uống rượu bia xong thì chạy xe máy về nhà, có người té ngã giữa đường phải nhập viện cấp cứu.

"Mình le lói ý tưởng có thiết bị đo nồng độ cồn người sử dụng rượu bia. Thiết bị đó phải gắn với xe máy, để làm sao nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, xe sẽ không hoạt động được" - Sỹ kể lại.

Sau thời gian dài mày mò, phát triển thêm ý tưởng đa năng cho sản phẩm, phải đến nửa đầu lớp 11, Sỹ mới chế tạo được thiết bị kiểm soát thông minh và nâng cao an toàn cho lái xe khi sử dụng rượu bia.

Thiết bị này có các chức năng như giúp người lái biết được nồng độ cồn trong hơi thở và máu, chỉ cho phép khởi động xe sau khi đã kiểm tra nồng độ cồn qua khí thở, cảnh báo nguy hiểm khi nồng độ cồn quá cao và tự động liên lạc cho người thân. 

Ngoài ra thiết bị còn định vị vị trí người say rượu bia thông qua tin nhắn hay Google maps để người thân dễ dàng xác định. "Thiết bị này gần gũi với cuộc sống, có thể phần nào giảm đi số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra cho người lái và người tham gia giao thông trên đường" - Sỹ nói.

Đánh vào nhận thức người lái xe

Về nguyên lý hoạt động thiết bị, Sỹ cho biết đầu tiên người lái xe phải thổi vào một ống gắn ở đầu xe máy để đo nồng độ cồn. Khi thổi vào tức đã bật button nhận biết có người thổi vào, đồng thời cảm biến MQ3 sẽ nhận biết có nồng độ cồn đi vào rồi xuất tín hiệu ra cho Arduino xử lý. 

Nếu nồng độ chưa vượt ngưỡng cho phép, Arduino sẽ gửi tín hiệu tới relay để mở dây nguồn của IC xe vì đó là bộ phận phát lửa trực tiếp cho động cơ có thể hoạt động. Màn hình LCD sẽ hiển thị nồng độ cồn và báo cho người lái xe biết "Có an toàn". 

Còn nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (0,2mg/l khí thở), Arduino sẽ gửi tín hiệu tới module relay để đóng dây nguồn IC xe máy. Sau đó LCD hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và báo "Không an toàn". Lúc đó động cơ xe máy sẽ tự động ngắt, người lái không thể nổ máy xe được.

Đồng thời, điện thoại sẽ tự động gọi về một số điện thoại của người thân đã được cài đặt sẵn. Sử dụng với tên danh bạ "Nguy hiểm" lúc đó, người thân sẽ biết được độ cồn đã vượt ngưỡng cho phép. 

Và một thao tác giao tiếp với thiết bị định vị là phải gửi tin nhắn tới thiết bị định vị thông qua trình duyệt để nhận định vị trí người lái xe đã ngầm định sẵn để người thân biết. 

Sỹ cho biết thiết bị này không ngắt hẳn động cơ của xe máy; khi muốn xe hoạt động lại chỉ cần, gọi một người bình thường không sử dụng rượu bia thổi vào ống đo thì có thể nổ máy.

Sau cuộc thi, Sỹ áp dụng cho người thân và hàng xóm đều được mọi người thích thú, đánh giá cao. "Nhiều chú cảnh sát giao thông cũng thấy thích thú với thiết bị này, muốn đem giới thiệu trong các buổi tuyên truyền về Luật giao thông" - Sỹ kể.

"Thợ săn" giải khoa học, kỹ thuật

Trong 11 năm học, Sỹ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 8 em đoạt giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh về đề tài thuyền cứu hộ và tuyên truyền Luật biển. Năm lớp 9 đoạt giải ba với thiết bị xe dọn rác điều khiển đa năng, vào top dự thi quốc gia.

Thầy Phạm Hữu Thức, hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, nói: "Sỹ là một cậu học trò học giỏi, năng động, có óc sáng tạo khoa học kỹ thuật".

Trò chuyện với nam bác sĩ khoa Sản: "Phụ nữ cần được nâng niu" Trò chuyện với nam bác sĩ khoa Sản: 'Phụ nữ cần được nâng niu' Những "nữ anh hùng" ở nhà máy sửa chữa máy bay Những 'nữ anh hùng' ở nhà máy sửa chữa máy bay Đỗ Mỹ Ninh Google: ‘Với phụ nữ Việt, gia đình luôn quan trọng" Đỗ Mỹ Ninh Google: ‘Với phụ nữ Việt, gia đình luôn quan trọng'
Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,366,639       778