TTO - Ngày quốc tế phụ nữ, nếu bạn vẫn chưa biết món quà nào thích hợp dành cho người phụ nữ của đời mình, hãy chọn cho nàng một quyển sách…
Ảnh: TRỌNG KHANG - Thiết kế: THANH NHÀN
Những điều tôi biết chắc
Gene Siskel - cây bút phê bình danh tiếng của tờ Chicago Sun-Times - hỏi Oprah Winfrey rằng: "Chị biết chắc những gì... về bản thân chị, về cuộc sống của chị...?".
Oprah đã "đứng hình" giây phút ấy. Thay vì chọn một câu trả lời đơn giản, bà đã viết cả một cuốn sách được gợi hứng từ câu hỏi của Siskel.
Những điều tôi biết chắc cũng giống như những cuốn sách khác của bà hoàng truyền thông Oprah, đưa ra những kiến giải đơn giản cho những vấn đề phức tạp.
Một cuốn sách dễ đọc và dễ yêu từ một người phụ nữ da màu lam lũ trở thành người đàn bà quyền lực và được yêu thích bởi hàng triệu con người.
Oprah sẽ luôn là tấm gương của nghị lực và thành công, truyền cảm hứng cho những phụ nữ trên khắp thế giới vẫn đang ngày đêm nỗ lực để khẳng định bản thân.
Tình yêu và tuổi trẻ
Tình yêu và tuổi trẻ (Huỳnh Phan Anh dịch) của Valery Larbaud có tên gốc là Fermina Márquez, cũng là tên nhân vật nữ trung tâm xuyên suốt cuốn tiểu thuyết ngắn 20 chương này.
Ngọn gió tươi mát mang tên Fermina Márquez đã thổi vào ngôi trường Công giáo ngoan đạo một sinh khí mới và làm rung động biết bao trái tim của những chàng trẻ tuổi.
Không viết về nữ quyền nhưng bằng tài năng của mình, Larbaud đã tôn vinh vẻ đẹp cũng như sức mạnh nữ tính trong sự đe dọa bởi những khắc kỷ của xã hội.
Làm dâu nhà má
Quyển sách Làm dâu nhà má của Alain Nghĩa không chỉ đơn thuần trình bày các công thức nấu các món ăn Nam Bộ bình dị, dân dã mà còn chứa đựng tình cảm giữa mẹ chồng và nàng dâu.
"Làm dâu nhà má" không khó, chỉ cần ba bữa cơm với tình cảm tròn đầy, với những món giản dị: rau luộc chấm mắm trứng, cải thìa hấp xốt tương mè, tép bạc chiên mắm me, đậu hũ chiên giòn nước mắm sả ngò, cá kèo kho me cay...
Nhà văn, đạo diễn, biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ về quyển sách: "Phải, dù là làm dâu thảo, dâu ngọt... hay dâu chua nhà má - khác chi làm con hiếu nhà mẹ của mình - thì khoảnh khắc được ở với nhau, còn được nấu và ăn cùng nhau, đó là những thời điểm hạnh phúc mà ta chỉ thấy quý báu khi không còn nữa...".
Si và Dị: tự viết nên câu chuyện của mình
Mỗi người rồi sẽ mang theo đời mình một mối tình để kể lại. Mối tình của bạn từng gắn với một kỷ niệm nào đó không? Một cung đường, một góc quán, một bản nhạc đã lãng quên mất tên chỉ còn những giai điệu chốc chốc lại cất lên trong tâm trí, khơi gợi những hồi ức không thể nào lãng quên cho được.
Hai tập sách tranh Si và Dị chính là một kỷ vật như vậy.
Giữa những hình ảnh trong trẻo, Trần Quốc Anh để lại những khoảng trống để độc giả tự viết lên tác phẩm của mình, một hình thức khá lạ so với các sách tranh hiện nay.
Ở đây, tranh chỉ đóng vai trò làm chất xúc tác để cho những câu chuyện, ký ức có dịp khai mở, để nỗi lòng có dịp tỏ bày. Hình thức tương tác giữa độc giả và tác giả này khác lạ lẫm so với độc giả Việt Nam dù rằng trên thế giới đã khá quen thuộc.
Câu chuyện không còn đóng khung - một câu chuyện chết, mà biến hóa khôn lường, sáu ngàn bản sách sẽ là sáu ngàn câu chuyện khác nhau, tùy vào chính độc giả.