Sống khỏe

Trăm năm theo mẹ

TTO - Tôi nhìn bà Kim chăm mẹ, rồi nghĩ về ngày 8-3, có lẽ những đóa hoa đẹp nhất đều đang hiện diện trên khuôn mặt đầy nếp nhăn ấy.

Trăm năm theo mẹ - Ảnh 1.

Bà Kim lúc nào cũng cười tươi, vui vẻ và dịu dàng chăm từng muỗng cháo cho mẹ - Ảnh: TRẦN MAI

Mẹ tôi sinh được năm người con, nhưng chiến tranh đi qua chỉ còn có mình tôi. Bỏ đi rồi mẹ mình ai lo?

Bà HỒ THỊ KIM

"Quớ làng, quớ làng" (Bớ làng, bớ làng) - tiếng la phá tan không gian đêm tĩnh mịch ở khoa nội huyết học - thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bệnh nhân thức giấc, những ánh mắt mệt mỏi đổ dồn về phía bệnh nhân Trần Thị Nhỏ (93 tuổi) đang vật vã dưới sàn.

Bà Nhỏ mắc chứng tâm thần. Mỗi khi động kinh, bà như một người khác, không còn ủ rũ ốm đau mà khỏe gấp nhiều lần. Bà cào cấu, thoi đạp vào người con gái mình là bà Hồ Thị Kim, đang ở nuôi mẹ. 

Bà Kim nay đã 66 tuổi, ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, người mà cả khoa nội huyết học - thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng gọi là hiếu tử.

Hai người đàn bà trong bệnh viện

Bà Kim hai tay giữ dây truyền thuốc của mẹ, để mặc cho cơ thể mình chịu trận. Bà Nhỏ vừa đánh vừa la: "Đứa nào vô nhà ta đây, mi vô phá nhà ta à, quớ làng, quớ làng". "Con đây, Kim đây mẹ..." - bà Kim dịu dàng vỗ về.

Bệnh nhân, người nhà, y bác sĩ trong khoa cũng thức giấc đổ về phòng 711. Một mũi thuốc an thần được tiêm nhanh chóng. 

Hơn một giờ bà Nhỏ vẫn chưa hết cơn, lại một mũi nữa, nhưng vẫn không làm bà Nhỏ dịu bớt đi. Bà Kim phải chịu trận đòn của mẹ mãi đến sáng, khi sức bà Nhỏ đã kiệt.

Số là bà Nhỏ thỉnh thoảng thần trí không ổn định, tuổi trời gần trăm năm đã lôi tuột sự minh mẫn của bà. Không ai hiểu điều ấy hơn bà Kim. 

Trời sáng hoảnh, bà Nhỏ ngủ vùi vì mệt, bà Kim đắp chăn cho mẹ, xoa vết bầm nơi cổ tay mẹ vì vỡ ven. 

Gần như bà Kim quên mất trên người bà cũng đầy vết bầm. Những người bệnh ở khoa thương bà Kim quá, lấy dầu thoa khắp người. 

Bà Kim bảo: "Ê ẩm hết, mỗi lần mẹ tôi lên cơn là mạnh dữ lắm".

Đã bốn ngày đêm liên tục bà Kim thức trắng. Khuya nào người mẹ già cũng vật vã, đánh đập, chửi bới cho đến tận sáng. Người con chẳng nề hà than thở. 

Mỗi lần mẹ thức, bà Kim lại dỗ dành để mẹ ăn miếng cháo. Những muỗng cháo ngày nào cũng bị hất văng tung tóe. Bà Kim lại kiên nhẫn bón cho mẹ. Phải có một tình cảm vô cùng to lớn mới có thể giúp bà đủ sức chịu đựng ròng rã đến vậy. 

"Được miếng nào hay miếng đó, chứ không lẽ để mẹ đói. Còn quậy là mừng rồi, chứ nhiều lần đau, mẹ nằm im, thở cũng khó khăn. Lúc đó đứt ruột lắm" - bà Kim tâm sự.

Tấm lòng hiếu tử

Tôi nhìn bà Kim chăm mẹ, rồi nghĩ về ngày 8-3, có lẽ những đóa hoa đẹp nhất đều đang hiện diện trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của bà Kim. 

Thời con gái, bà Kim cũng từng có một tấm chồng và một đứa con. Đứa con yểu mệnh, 20 tháng thì mất. Chồng bà bỏ vào miền Tây sinh sống. Bà không theo chồng, ở lại phụng dưỡng mẹ. 

"Mẹ tôi sinh được năm người con, nhưng chiến tranh đi qua chỉ còn có mình tôi. Bỏ đi rồi mẹ mình ai lo?" - bà Kim tâm sự.

Bà Kim ở vậy, không đi bước nữa. Bà nói "theo chồng một lần đủ rồi, trăm năm cũng theo mẹ thôi". Thế là bà ở lại quê nhà, vui vầy chăm sóc mẹ. Bà Kim không thể nhớ hết bao nhiêu lần ông trời muốn cướp mẹ mình đi. Mỗi lần như vậy, bà cõng mẹ đi nhà thương.

Người con nhẩm tính: đã hơn 20 năm rồi mẹ bà lúc tỉnh lúc mê. Chừng ấy thời gian bà lội ruộng bắt ốc, mua bó rau, con cá mang ra chợ bán kiếm tiền. Thần trí bà Nhỏ tệ dần theo thời gian thì sức khỏe bà Kim cũng bị bào mòn. 

Nhiều trận đau ập đến với mình, bà Kim tưởng không qua khỏi. Nhưng rồi giữa cơn bạo bệnh, bà nhìn mẹ lại có động lực để vượt qua. 

"Có đận tôi sốt hơn tuần, đi không nổi, cứ nghĩ chết rồi. Thế mà nhìn mẹ lại ráng vào làng mua rau mang ra chợ bán. Làm riết hết đau luôn. Tôi thương mẹ, trời thương tôi vượt qua hết để ở đời với mẹ" - bà Kim trải lòng.

Hôm ở bệnh viện, bà Kim nằm dưới sàn ngay chỗ mẹ lên xuống để chợp mắt thì bà Nhỏ dậy. Vô thức, bà đạp lên mình con rồi tiểu tiện luôn. Bà Kim nằm yên hứng trọn vì lo mẹ mình tiểu không hết. 

Bà thưa với các cô y tá: "Biết là bà khó tính quá làm mấy đứa cực, nhưng ráng chịu giùm bác nghen. Đời bác chỉ có một bà mẹ này thôi". Câu nói ấy khiến cả phòng rơm rớm.

Đây là cái tết thứ ba bà Kim đưa mẹ vào bệnh viện đúng ngày mùng 1, rồi ở mãi cho đến khi qua rằm tháng giêng mới trở về. 

Hôm tạm biệt cả phòng đưa mẹ về, bà Kim nói vui với tôi rằng: "Năm nay ăn tết kép ở bệnh viện. Tết Nguyên đán xong lại đến Nguyên tiêu. Mà thôi kệ, còn mẹ mà chăm là hạnh phúc rồi".

Tôi nhìn dáng bà sấp ngửa dìu mẹ bước ra khỏi bệnh viện. Nghe giọng bà nhắc "mẹ bước cái chân kia tới, chân kia kìa..." khiến tôi nhớ đến tất cả những ngày bà Kim chăm mẹ. 

Mọi thứ như thước phim quay chậm nhẹ nhàng, và rất êm đềm...

Cơ cực trăm bề không than van

Trong suốt những ngày ở bệnh viện, người phụ nữ ngấp nghé thất tuần căng mắt dõi theo từng giọt máu truyền vào người mẹ.

Nhưng điều đó với bà Kim không khổ bằng phải làm thủ tục giấy tờ. Bà lúng ta lúng túng, kể cả việc bấm số đi lên xuống thang máy.

Bà Kim nói chăm mẹ cả đời không thấy cực mà đi cái thang máy với tìm chỗ nộp tiền ứng viện phí cực ghê.

Bà phân trần, rặt kiểu nói địa phương: "Nhà thương hắn rộng ri (bệnh viện rộng như thế này), bảo sao tui không đi lạc. Mà đi nộp tiền thì cứ phập phồng sợ mẹ mệt, không có tôi bên cạnh".

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,369,097       437