Sống khỏe

Phòng ngừa bệnh thủy đậu

Người là nguồn lây duy nhất của bệnh thủy đậu, lây chủ yếu bằng đường hô hấp qua những giọt nước bọt bắn ra từ người bệnh.

Phòng ngừa bệnh thủy đậu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: medicalnewstoday.com

Bệnh thủy đậu (còn gọi là bệnh phỏng rạ hay bệnh trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm rất hay lây, có khả năng gây thành đại dịch. Tác nhân gây bệnh là do virut Varicella Zoster (VZV).

Tỷ lệ mắc bệnh thường cao ở những nơi tập trung đông dân cư như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá… Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, 90% ở trẻ dưới 13 tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi mẫu giáo và cấp 1-2. Nam và nữ có tỷ lệ mắc bệnh như nhau. Ở những vùng nhiệt đới, bệnh có khuynh hướng xảy ra ở người lớn nhiều hơn.

Thời gian ủ bệnh trung bình 14 - 15 ngày. Thời gian lây bệnh xảy ra 24h trước khi xuất hiện phát ban cho đến lúc nốt đậu đóng mày (trung bình 7 - 8 ngày).

Triệu chứng

Khi bị nhiễm thủy đậu, bệnh nhân thường sốt nhẹ, kèm ớn lạnh, đôi khi sốt cao (thường gặp ở người lớn, người suy giảm miễn dịch). Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn ăn uống và vui chơi bình thường làm cho người mẹ không để ý, đến khi nổi những bóng nước mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu. Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, ngứa... Trẻ lớn có thể kêu đau mỏi các khớp rồi 2 - 3 ngày sau mới nổi bóng nước. 

Lúc đầu là nổi ban, nhìn giống ban sởi. Ban mọc khắp người, không theo một trình tự nhất định: ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, bóng nước sẽ làm mủ đục, sưng to, ngứa... Nếu để trẻ gãi gây trầy xước da sẽ để lại sẹo sâu.

Khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh thường tiến triển lành tính. Nhưng đôi khi thủy đậu có thể gây tử vong do các biến chứng nặng như: viêm não-màng não hậu thủy đậu, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm gan…

Phụ nữ có thai bị thủy đậu có nguy cơ cao bị viêm phổi thủy đậu. Nhiễm trùng bào thai lây truyền từ nhiễm trùng của mẹ ở 3 tháng cuối của thai kỳ có thể gây thủy đậu bẩm sinh khoảng 2%. Những phụ nữ bị thủy đậu trong giai đoạn chuyển dạ có nguy cơ gây nhiễm trùng toàn thân cho trẻ sơ sinh (khoảng 50%). 

Những bà mẹ bị thủy đậu trên 2 ngày sau sinh có thể truyền bệnh cho con qua đường hô hấp, những trẻ này có thể xuất hiện bệnh thủy đậu sau 2 tuần tuổi. Nếu trẻ gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, bóng nước có thể bị bội nhiễm gây viêm da nặng, nhiễm trùng huyết…

Điều trị và phòng ngừa

- Trẻ ốm phải được cách ly, theo dõi tại cơ sở y tế trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vẩy, trẻ ốm phải nghỉ học 7-10 ngày. Trước khi cho trẻ trở lại lớp học nhớ tắm gội sạch vẩy. Những người chăm sóc trẻ ốm phải mang khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch bóng nước. Sau khi chăm trẻ phải rửa sạch tay bằng xà phòng. Áo quần, khăn mặt... người ốm cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, ủi. Phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc người bệnh.

- Giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ: giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay, trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa phấn rôm vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa.

- Nhỏ mắt, mũi bằng thuốc sát khuẩn. Hạ sốt bằng paracetamol (không được dùng aspirin). Bôi kem acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế thương tổn và bội nhiễm. Những trường hợp nặng, cho uống acyclovir.

- Khi nốt phỏng vỡ, bôi thuốc xanh methylen để bớt nhức, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn; không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ.

- Để phòng bệnh, biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccin phòng ngừa bệnh thủy đậu. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm một mũi duy nhất. Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu 4-8 tuần. Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, sau khi tiêm vaccin cần áp dụng ngay một biện pháp tránh thai tin cậy (như dùng bao cao su, uống viên thuốc tránh thai) trong vòng 3 tháng.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,369,246       595