Sống khỏe

Giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam

Giá gạo tăng là điều đáng mừng nhưng phải tìm cách giảm giá thành để hạt gạo Việt Nam không những tăng về chất, mà còn tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Giải pháp nâng cao giá trị gạo xuất khẩu Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

861.000 tấn gạo được xuất khẩu chính ngạch chỉ trong 2 tháng đầu năm, thu về gần 419 triệu USD; tăng 17% về khối lượng, nhưng tới 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những điểm tích cực của bức tranh xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm nay, có tới trên 80% là gạo chất lượng cao, chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, gạo lài... Giá bán trung bình là 475 USD/tấn so với mức 450 USD/tấn của năm 2017.

Thực tế này cũng cho thấy sự hiệu quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo, chú trọng về chất hơn là đẩy về số lượng. Ngoài sự định hướng của cơ quan quản lý, của Hiệp hội, phải đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của chính các doanh nghiệp.

Không chỉ tập trung công nghệ, xây dựng thương hiệu, chất lượng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Liên kết với nông dân, có vùng trồng riêng, thu mua giá cao là cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

Theo các doanh nghiệp, hiện nay, thương nhân nước ngoài đã tìm đến trực tiếp tận nhà máy để ký hợp đồng chứ không ký hợp đồng tập trung như trước. Đây vừa là áp lực buộc phải thay đổi, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp bởi làm tốt, sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, ắt sẽ có đầu ra.

Ghi nhận tại vựa gạo đồng bằng sông Cửu Long, các thương nhân tìm đến để hợp tác xuất khẩu gạo nhiều nhất là Trung Quốc và Philippines. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam hiện nay, chiếm trên 50% khối lượng xuất khẩu. Dù vượt Thái Lan về giá, nhưng thứ hạng của Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Sản lượng gạo toàn cầu đang tăng vọt, lên mức cao nhất trong 16 năm qua, theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Niên vụ 2017 - 2018, Ấn Độ tiếp tục giữ vững ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vị trí tiếp theo thuộc về Thái Lan và Việt Nam.

Điểm đáng chú ý là sự vươn lên mạnh mẽ của Myanmar trên thị trường gạo quốc tế, khi tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu so với 1 năm trước đó và được dự đoán sẽ vượt Mỹ để lọt vào top 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong năm nay. Trong khi đó, thế giới cũng chứng kiến nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến cao, đặc biệt là từ Trung Quốc và một vài nước Đông Nam Á.

Cũng phải nhìn nhận một thực tế, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo tăng đột biến vì nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Philippines tăng lên đáng kể. Để sự khởi sắc này không phải là diễn biến nhất thời, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,370,205       586