Sống khỏe

Chào đón em về với lớp!

TTO - Khi chập chững vào nghề giáo, tôi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 9. Nơi tôi công tác là một mảnh đất nghèo, quanh năm chỉ nắng với gió.

Chào đón em về với lớp! - Ảnh 1.

38 học sinh tôi chủ nhiệm phần lớn buổi ở trường, buổi còn lại phụ giúp gia đình mưu toan cuộc sống.

Nỗi nhức nhối

Trong lớp có em Lê Thị Thanh Tuyền. Khuôn mặt em lúc nào cũng ẩn chứa nhiều tâm trạng. Đôi mắt đen tuyền như cái tên của em. Mái tóc dài chấm ngang vai với mái tóc trước xõa che kín đôi mắt, phải vất vả lắm mới quan sát hết khuôn mặt.

Thanh Tuyền không bao giờ nhìn thẳng vào mắt tôi khi học ở trên lớp. Em trầm tính hơn các bạn, ít cười so với lứa tuổi của em. Tôi tìm cách trò chuyện để được gần em nhưng càng gần em càng xa cách. Tôi biết hoàn cảnh của em qua hồ sơ tôi chủ nhiệm: Em không có bố, mẹ đi làm ăn xa, hiện ở với ông ngoại.

Ở nơi tôi công tác, sau mỗi dịp nghỉ tết, học sinh thường rủ nhau nghỉ học vào Nam làm ăn. Đây cũng là nỗi nhức nhối của các trường ở nông thôn khi việc duy trì số lượng không đảm bảo. 

"Cô ơi, bạn Tuyền nghỉ học vào Nam làm ăn rồi cô ạ". Tôi nhận thông tin về em từ học trò kể lại mà lòng buồn rười rượi như mình vừa đánh mất một cái gì lớn lao quá. Tôi tìm về nhà Thanh Tuyền để mong khuyên bảo em.

Ngôi nhà ba gian cũ kỹ, lặng lẽ nằm im trong hẻm nhỏ. Tôi cất tiếng gọi não lòng vẫn không ai trả lời. Tôi bạo dạn đi vào trong, gặp một người đàn ông già nua và tội nghiệp. 

Phải mất một hồi lâu mới gặp một người hàng xóm của Tuyền: "Cô à, em Tuyền đi Sài Gòn rồi, đây là ông ngoại của cháu, ông bị lãng tai không nghe cô nói gì đâu".

Cú điện thoại phương xa

Tôi sững người ra về trong niềm nuối tiếc và tự trách bản thân sao mình không ngăn cản Tuyền sớm hơn. Chỗ học của em trở nên trống trải. Tôi mong em quay về với lớp, với bạn bè biết bao. 

Với tuổi đời và học vấn của em, em sẽ làm được gì nơi đất khách quê người. Em sẽ sống ra sao khi mảnh đất Sài Gòn nhiều cám dỗ. Rồi tương lai em sẽ đi về đâu? Bao câu hỏi cứ vây lấy tâm trí tôi.

Có lẽ đây là thất bại đầu tiên và là bài học cho tôi trong công tác chủ nhiệm trong khâu duy trì sĩ số.

Bẵng đi một thời gian, một buổi tối tôi đang mải mê chấm bài thì chuông điện thoại reo, số di động lạ. Nhấc máy lên, đầu dây bên kia tiếng khóc thút thít và càng lúc nghe càng to. 

Em nói trong tiếng nấc: "Cô ơi, em Thanh Tuyền đây. Cô xin ban giám hiệu cho em đi học lại được không cô? Em vào đây đi rửa chén bát thuê cho một cửa hàng ăn. Ngày nào em cũng nghe tiếng chửi rủa và thậm chí còn bị đánh nữa cô ạ. Em nhớ cô, nhớ các bạn và muốn được đi học lại quá cô ơi. Cô xin giùm em với nhé".

Tôi nghẹn ngào cùng em. Tôi chưa xin cho em được đi học lại nhưng lòng tôi thầm hứa sẽ làm mọi cách để cho em một cơ hội nữa với bất cứ giá nào. Cuộc sống đã dạy các em những bài học mà đôi khi bố mẹ, thầy cô, bạn bè... khuyên bảo chưa chắc các em đã nghe theo. 

Tôi vui như mình vừa trúng số đặc biệt. Tuyền đã đến trường, tôi gặp em với nụ cười tươi như hoa: "Chào đón em về với trường, với cô và với các bạn". Em nở nụ cười với đôi mắt trong: "Em cảm ơn cô!".

Bây giờ, Tuyền đang ở phương xa với công việc kế toán cho một công ty tư nhân nước ngoài. Tám mùa xuân qua là tám lần em gọi điện thoại hỏi thăm và chúc mừng sức khỏe đến cô. Dành những lời chúc tốt đẹp cho em và tôi không quên bảo với em rằng: "Hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống".

Mời cộng tác tin, bài cho trang Giáo dục

Thân mời bạn đọc viết tin, bài cộng tác cho trang Giáo dục báo Tuổi Trẻ qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc gửi thư về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Đó là những câu chuyện giáo dục hay, đáng suy ngẫm; những thầy giáo cô giáo hết lòng vì học trò; những hình ảnh và câu chuyện đẹp của học sinh, giáo viên từ nhà trường lan tỏa ra cuộc sống... Bài được đăng sẽ có nhuận bút theo quy định của báo Tuổi Trẻ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,372,332       651