Sống khỏe

Hội chứng thiếu máu

Thiếu máu là một hội chứng hay gặp trong nhiều bệnh và để chẩn đoán chính xác cần phải dựa vào triệu chứng lâm sàng và chủ yếu là dựa vào một số xét nghiệm.

Hội chứng thiếu máu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: linkedin.com

Thiếu máu là hiện tượng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các tế bào trong cơ thể, trong đó giảm huyết sắc tố có ý nghĩa quan trọng nhất.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới: Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố trung bình lưu hành ở máu ngoại vi dưới mức bình thường so với người cùng giới, cùng tuổi và trong cùng một môi trường sống.

Triệu chứng lâm sàng

Biểu hiện lâm sàng và mức độ nghiêm trọng của thiếu máu thay đổi đáng kể trên mỗi bệnh nhân. Thiếu máu vừa phải có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như nhức đầu, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh và khó thở.

Thiếu máu mạn tính có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, hệ thống miễn dịch, phổi, thận và các trung tâm hệ thần kinh. Ngoài triệu chứng trên, các tác động chủ quan của thiếu máu liên quan đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tâm thần và các hoạt động xã hội, khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày.

Ngoài ra còn một số triệu chứng lâm sàng khác cần quan tâm: Da xanh, niêm mạc nhợt, tóc dễ rụng, móng giòn dễ gãy, chân móng bẹt hoặc lõm màu đục, mạch nhanh, tim có thể có tiếng thổi tâm thu cơ năng do máu loãng. Thiếu máu lâu có thể dẫn đến suy tim.

Xét nghiệm

- Số lượng hồng cầu: Người Việt Nam trưởng thành bình thường 3,8-4,5T/ml, nếu <3,8T/ml là thiếu máu và >5,5T/ml là đa hồng cầu.

- Huyết sắc tố của người Việt Nam trưởng thành bình thường: 140-160g/l, khi lượng huyết sắc tố <120g/l hoặc >160g/l cần phải kiểm tra để xác định tình trạng bất thường này. Đây là chỉ số quan trọng nhất liên quan đến thiếu máu.

- Sắt huyết thanh: Nam 15-27μ/l; nữ: 11-22μ /l. Sắt huyết thanh giảm trong thiếu máu nhược sắc; tăng trong thiếu máu huyết tán, suy tủy, rối loạn chuyển hóa sắt…

Ngoài ra còn cần làm một số xét nghiệm chuyên sâu để chẩn đoán xác định như tủy đồ, coombs, sức bền hồng cầu, điện di huyết sắc tố…

Phân loại thiếu máu

Có nhiều loại thiếu máu, có nhiều cách để phân loại thiếu máu, tuy nhiên cần dựa vào những cơ sở sau đây để phân loại thiếu máu: Hình thái hồng cầu, nguyên nhân, vị trí (trong tủy xương, ngoài tủy xương).

- Hình thái hồng cầu: Hồng cầu to, nhỏ. Hồng cầu nhược sắc, bình sắc.

- Nguyên nhân:

Tại tủy xương: Thiếu dinh dưỡng, giảm sản xuất tại tủy xương như suy tủy, mắc một số bệnh máu ác tính.

Ngoài tủy xương: Mất máu cấp tính như chấn thương, chảy máu sau đẻ, nhiễm trùng…

Tuy nhiên, cách phân loại này chưa đầy đủ mà cần phải dựa theo từng nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh.

Một số điểm cần quan tâm đến trong chế độ ăn uống và sinh hoạt

- Nghề nghiệp: Làm ruộng (sử dụng phân tươi dễ mắc bệnh giun sán, sử dụng phân hóa học quá ngưỡng cho phép), làm trong môi trường tiếp xúc với hóa chất độc hại như benzen, chì, tia xạ…

- Sử dụng thuốc: Thuốc điều trị ung thư, một số thuốc nhạy cảm với từng cá thể như chlorocid…

- Chế độ ăn uống: Cần cung cấp đủ các yếu tố vi lượng như sắt (thường có ở rau xanh, hoa quả...).

- Tiền sử gia đình: Có ai trong gia đình bị bệnh tương tự không?

Hội chứng thiếu máu bao gồm nhiều triệu chứng lâm sàng chủ yếu do thiếu oxy ở tế bào gây nên, nó liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên sâu. Cần được chẩn đoán và tìm nguyên nhân đúng để điều trị tốt cho bệnh nhân để đưa người bệnh sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,022       1,128