Sống khỏe

Đông, Tây đều cấm cắt vi cá mập

TTO - Để lấy vi cá mập, ngư dân thường lôi cá mập lên boong dùng dao cắt hết vây cá rồi vứt thân cá xuống biển vì phần thân ít có giá trị thương mại. Cá mập phải chịu cảnh đau đớn.

Đông, Tây đều cấm cắt vi cá mập - Ảnh 1.

Cắt vi cá mập ở bang Florida (Mỹ) - Ảnh: The St. Augustine Record

Mỗi năm có đến 100 triệu cá mập bị đánh bắt để lấy vi cá theo kiểu tận diệt. Con số này vượt quá xa mức độ bền vững về sinh học

Tiến sĩ Ralf Sonntag (Quỹ quốc tế bảo vệ động vật)

Ngoài ra, cách lấy vi cá mập như thế rất lãng phí vì chỉ có 7% trọng lượng cá mập được khai thác.

Mỹ nhập vi cá mập xuất sang châu Á

Tính đến năm 2014 đã có hơn 100 nước cấm cắt vi cá mập rời khỏi thân và hàng chục nước cấm đánh bắt cá mập. Nhưng phần lớn các nước lại không cấm mua bán và tiêu thụ vi cá mập.

Có nhiều hình thức cấm như cấm đánh bắt hoàn toàn trong các khu vực bảo tồn, được phép đánh bắt nhưng chỉ được đưa cá mập vào bờ nếu cá có đầy đủ vi, hạn chế đánh bắt cá mập (như đóng cửa ngư trường theo mùa, cấp hạn ngạch...), kinh doanh cá mập theo quy định, cấm hoàn toàn hay một phần hành vi cắt vi cá mập... 

Song song đó, một số hãng hàng không, hãng tàu biển, khách sạn, khu vui chơi giải trí đã từ chối vận chuyển, phục vụ hoặc kinh doanh các sản phẩm có vi cá mập.

Châu Á là khu vực tiêu thụ vi cá mập nhiều nhất thế giới. Năm 2013, Trung Quốc và đặc khu Hong Kong đã cấm sử dụng vi cá mập nhưng chỉ trong các cuộc tiếp tân chính thức. 

Nhật, Ấn Độ và lãnh thổ Đài Loan chỉ cho phép tàu thuyền chở cá mập có đầy đủ vi dính vào thân cập bến. Indonesia và Malaysia cấm đánh bắt cá mập trong khu vực quy định. 

Năm 2013, Brunei đã cấm thu hoạch và nhập khẩu cá mập trong khi Malaysia cấm món xúp vi cá mập từ năm 2007.

Châu Đại Dương có nhiều rạn san hô nên tiếp tục là ngư trường lý tưởng để đánh bắt cá mập. 

Do đó, nhiều nước đã lập khu bảo tồn cá mập như đảo quốc Palau (năm 2009), đảo quốc Marshall (năm 2011). Tháng 10-2014, New Zealand cấm hoàn toàn hành vi cắt rời vi cá mập khỏi thân cá.

Tại châu Phi và Mỹ Latin, kinh doanh vi cá mập không phổ biến. Địa phương chỉ tiêu thụ thịt cá mập, còn vi cá được xuất sang châu Á và Mỹ. Vi cá mập ở châu Phi và Mỹ Latin được đánh giá không cao vì có chất lượng kém.

Trong các nước xuất khẩu vi cá mập có Chile, Ecuador, Uruguay, Guyana, Suriname và Peru. Quốc hội Chile đã thông qua đạo luật cấm cắt rời vi cá mập ngoài biển vào ngày 6-7-2011. 

Tại Brazil, cắt vi cá mập rời khỏi thân là phạm pháp và đánh bắt cá mập phải có quota. Mexico cấm cắt rời vi cá mập từ năm 2007. 

Tháng 11-2011, Hội đồng Nông nghiệp Trung Mỹ (gồm Trung Mỹ và Cộng hòa Dominicana) đã cấm cắt rời và mua bán vi cá mập. Honduras và quần đảo Bahamas đã lập khu bảo tồn biển năm 2011.

Tại Bắc Mỹ, Mỹ là trục bản lề thương mại vi cá mập từ cuối thập niên 1970. Mỹ chế biến vi cá mập khô nhập từ Mỹ Latin rồi xuất khẩu sang châu Á. 

Năm 2000, Mỹ ban hành luật cấm cắt rời vi cá mập khỏi thân cá. Đến tháng 1-2011, tổng thống Obama ký luật bảo tồn cá mập. 

Luật mới cấm tàu thuyền chở vi cá mập mà không có thân cá phù hợp và cá mập đưa vào bờ phải có đủ vi. 

Năm 2010, Hawaii là bang đầu tiên cấm sở hữu, mua bán và phân phối vi cá mập, sau đó đến các bang Washington, California, Oregon và quần đảo Mariana. 

Tại Canada năm 2011, một số thành phố đã cấm dùng món ăn có vi cá mập.

Đông, Tây đều cấm cắt vi cá mập - Ảnh 3.

Một tiệm bán xúp vi cá mập ở Thái Lan - Ảnh: WildAid

Ngư dân lách luật

EU cấm cắt rời vi cá mập từ năm 2003 nhưng châu Âu nhập khẩu vi cá mập từ châu Á và châu Phi để phục vụ Hoa kiều. 

Đến tháng 11-2012, Nghị viện châu Âu thông qua quy định mới chặt chẽ hơn, cấm các tàu cá EU trên thế giới hoặc các tàu lưu thông trong vùng biển EU cắt vi cá rời khỏi thân, trừ các tàu đủ khả năng khai thác mọi bộ phận của cá mập.

Trong khuôn khổ các hiệp định đối tác đánh bắt cá, EU đã cam kết viện trợ kỹ thuật và tài chính cho các nước châu Phi, bù lại các tàu cá EU được phép đánh bắt ở các nước này. 

Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã thoải mái cấp giấy phép cho ngư dân. Sau đó, các nước châu Phi "la làng" rằng EU chưa giám sát các vụ đánh bắt cá mập trái phép và trừng phạt tàu cá EU vi phạm. 

Ngoài ra, các hiệp định về đánh bắt cá ngừ chưa rõ ràng nên các tàu EU lách luật như tàu đánh cá ngừ Baz của Tây Ban Nha bị bắt vào tháng 9-2017 ở São Tomé and Príncipe (Tây Phi) vì đánh bắt cá mập.

Do nhu cầu cao nên nạn đánh bắt cá mập lấy vi cá vẫn xảy ra trong các khu bảo tồn biển như ở Galápagos (Ecuador). 

Tại Brazil năm 2010, một doanh nghiệp xuất khẩu hải sản (Siglo do Brasil Comercio) bị phát hiện giết trái phép gần 300.000 con cá mập để buôn lậu vi cá sang Trung Quốc. 

Trường hợp này đã phơi bày ra ánh sáng nạn săn bắt lậu cá mập trong vùng biển Brazil.

Costa Rica cấm cắt rời vi cá mập từ năm 2005. Tháng 11-2013, Costa Rica phát hiện các ngư dân lách luật bằng cách cắt lấy vi cá mập nhưng không cắt rời mà để lại một miếng da vi cá dính liền với sống lưng cá mập rồi vứt thân cá còn lại xuống biển. 

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã phát thông báo về thủ đoạn mới này và phát động chương trình Scale nhằm phát hiện, trấn áp và đấu tranh chống tội phạm trong đánh bắt cá.

Đông, Tây đều cấm cắt vi cá mập - Ảnh 4.

Để lách luật, ngư dân để vi cá mập bị cắt dính liền với sống lưng cá mập và vứt thân cá xuống biển - Ảnh: Sharkstewards.org

Phải được Cites cấp giấy phép

Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã đưa nhiều loài cá mập vào phụ lục II.

Phụ lục II là danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không kiểm soát.

Trong phụ lục II, lớp cá có sụn thuộc bộ cá mập đáy, bộ cá mập và bộ cá nhám thu gồm: cá mập lụa, cá mập đầu vây trắng, cá mập đầu búa hình vỏ sò, cá mập đầu búa lớn, cá mập đầu búa trơn, các loài cá nhám đuôi dài giống Alopias, cá nhám thu lớn, cá mập trắng, cá nhám hồi, cá nhám voi...

Mua bán các loài này giữa các quốc gia phải có giấy phép xuất khẩu do CITES cấp.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,373,120       127