TTO - Sự chống đối, hay nói cách khác là chần chừ trong cải cách, vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ - TS Nguyễn Đình Cung nhận xét.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng vẫn còn tình trạng "chống đối" cải cách trong nội bộ các bộ, ngành - Ảnh: LÊ KIÊN
TS Nguyễn Đình Cung tham gia cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sáng 28-2 về thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, đơn giản hoá thủ tục hành chính do Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng tổ công tác, chủ trì.
"Đi gỡ những cái tự đặt ra không phải là thành tích"
TS Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nói: "Ở đâu có lãnh đạo bộ, đặc biệt là bộ trưởng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó có kết quả tốt, chuyển biến nhanh. Tình trạng này cho thấy các bộ trưởng chuyển động không đồng đều. Nhìn vào kết quả có thể thấy bộ nào thực sự quyết tâm".
Ông Cung dẫn câu chuyện cắt giảm thủ tục ở Bộ Công thương diễn ra khá nhanh, nhưng từ khi bắt đầu chuyển động đến lúc có nghị định chính thức cũng mất 6-7 tháng.
"Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thì cần phải chuyển động nhanh hơn, thực hiện quyết liệt hơn mới có thể đạt được. Nay đã là cuối tháng 2, đầu tháng 3, để có một nghị định được ban hành thì cũng phải đến tháng 9, tháng 10, thậm chí cuối năm với triển khai được", ông Cung sốt ruột.
Ông cũng kiến nghị: "Chính phủ cần có công cụ kiểm tra, giám sát thường xuyên việc này. Bởi sự chống đối, hay nói cách khác là chần chừ trong cải cách, vẫn còn rất lớn trong nội bộ các bộ".
TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - thì đặt vấn đề: "Từ lời nói, lời hứa, đến hành động thực tế, cắt giảm thực tế và triển khai thật sự cũng là cả vấn đề. Chúng ta đang có đà cải cách, nếu cỗ xe dừng lại hoặc đi chậm là chết".
Ông Thiên cho rằng việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chỉ mới là bước tạo đà, là nền tảng, chưa phải cái gì quá đột phá.
"Cứ nhìn sang Trung Quốc thì thấy rõ người ta cải cách như thế nào. Không chỉ tạo nền tảng mà còn phải đột phá theo hướng tận dụng cơ hội của thời đại công nghiệp 4.0. Vấn đề là làm thế nào để nền kinh tế bứt phá. Chứ cứ đi gỡ những cái do chúng ta tự tạo ra rồi coi đó là thành tích vĩ đại thì không nên", TS Thiên nhấn mạnh.
Kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chồng chéo, nhiêu khê nhưng phát hiện vi phạm, sai phạm thông qua kiểm tra chuyên ngành lại rất ít (chỉ 0,16%). Một doanh nghiệp đôi khi phải chạy từ Hải Phòng vào TP.HCM, rồi lại ra Hà Nội làm thủ tục.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa
Cắt rồi nhưng vẫn còn nhiều
Thành viên tổ công tác, thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đồng tình với kiến nghị của các chuyên gia là phải ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạnh mẽ hơn nữa để quản lý.
"Hiện chúng ta xuất nhập khẩu trên 400 tỉ USD/năm, cần hướng tới thực hiện thủ tục điện tử 100%. Kiểm soát được từng thủ tục hành chính ở 171 cửa khẩu quốc gia, kiểm soát được từng hành vi của công chức hải quan thì mới giám sát được toàn bộ hoạt động", ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Tuấn cho biết ngay cả khi năm 2018 giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ trên 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Cắt giảm phải thực chất chứ không phải là "chơi chữ" - Ảnh: LÊ KIÊN
"Không để cắt cái này lại mọc cái khác"
"Yêu cầu của Thủ tướng là tạo ra cải cách, chuyển động mạnh mẽ hơn nữa để thu hút đầu tư, tạo dòng chảy kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân", bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Ông Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ thời gian tới là chấm dứt sự chồng chéo giữa các bộ, một nhiệm vụ chỉ một đầu mối xử lý.
"Từ 15-3 tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể tại từng bộ, ngành và lần này sẽ xuống tận huyện, tận địa phương, bởi sự nhiêu khê của thủ tục nó nằm ở nhiều ngóc ngách lắm", bộ trưởng Dũng nói.
"Chúng ta phải dẹp bỏ các văn bản 'núp bóng' để tạo ra các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh phải chủ yếu nằm ở các nghị định hướng dẫn thi hành luật, hạn chế triệt để việc ban hành các thông tư".
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh: "Cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không hình thức, cơ học thuần tuý. Cắt giảm không phải chỉ là sửa chữa, cài cắm câu chữ làm khó doanh nghiệp, không được để tình trạng cắt thủ tục này để mọc quy định khác".