Sống khỏe

Lệnh ngừng bắn ở Syria: có cũng như không

TTO - "Khoảng dừng nhân đạo" năm giờ mỗi ngày do Nga đề xuất đã bắt đầu có hiệu lực tại Syria từ ngày 27-2 nhưng đạn pháo vẫn rót xuống các hành lang nhân đạo.

Lệnh ngừng bắn ở Syria: có cũng như không - Ảnh 1.

Một trẻ em được điều trị ở Đông Ghouta, Syria - Ảnh: REUTERS

Tôi thấy xấu hổ cho Hội đồng Bảo an LHQ. Những quốc gia mạnh nhất hành tinh lại không thể thực thi các tiêu chuẩn cơ bản nhất của nhân quyền

Tờ Guardian dẫn lời lãnh đạo Ghanem Tayara của Hiệp hội các tổ chức cứu trợ và chăm sóc y tế đang điều hành hàng chục bệnh viện ở Syria.

"Khoảng dừng nhân đạo" năm giờ mỗi ngày do Nga đề xuất đã bắt đầu có hiệu lực tại Syria từ ngày 27-2 nhưng đạn pháo vẫn rót xuống các hành lang nhân đạo, trong khi các bên đưa ra đủ lý do để né nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Khu vực Đông Ghouta tạm yên ắng sáng 27-2 khi khoảng dừng nhân đạo theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin có hiệu lực từ 9h, giờ địa phương. Theo yêu cầu của ông Putin, sẽ không có các cuộc không kích trong thời gian này để người dân nơi đây có thể rời đi.

Nhiều hoạt động nhân đạo

Hãng tin Reuters dẫn lời đại tướng Yuri Yevtushenko, lãnh đạo Trung tâm hòa bình và tái hòa giải Nga tại Syria, cho biết lệnh ngừng bắn đã được thống nhất với chính quyền Damascus để đảm bảo an toàn cho hàng trăm người bao gồm phụ nữ, trẻ em và dân thường bị phiến quân bắt làm con tin. Một hành lang nhân đạo sẽ được chuẩn bị thiết lập để đưa người dân ở Đông Ghouta cũng như những người bị ốm và bị thương rời khỏi khu vực này.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đề nghị thành lập một ủy ban nhân đạo quốc tế do Liên Hiệp Quốc (LHQ) dẫn đầu để đánh giá tình hình tại khu vực Raqqa ở Syria, nơi cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Động thái của Nga được triển khai trong bối cảnh các nước và tổ chức liên tục hối thúc nhanh chóng áp dụng nghị quyết 2041 của LHQ. "Đông Ghouta không thể chờ được" - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh tại Geneva. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ kêu gọi mở đường để đưa hàng cứu trợ thuốc men, thực phẩm, nước uống... cho hơn 400.000 người ở khu vực này. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố bảo vệ dân thường là nghĩa vụ theo luật nhân đạo quốc tế và hiện Canada đang hỗ trợ các nhóm cứu trợ tại chỗ ở khu vực Ghouta.

LHQ ngày 26-2 cũng tuyên bố đã sẵn sàng hỗ trợ hoạt động cứu trợ nhân đạo tại khu vực Đông Ghouta ngay khi các điều kiện cho phép. "LHQ kêu gọi tất cả các bên tạo lối tiếp cận vô điều kiện, thông thoáng và ổn định đến tất cả mọi người đang cần giúp đỡ khắp Syria và thực hiện mọi biện pháp bảo vệ dân thường, hạ tầng dân sự" - người phát ngôn cơ quan này nhấn mạnh, cho biết LHQ sẵn sàng tiếp cận những khu vực khác đang bị bao vây và khó tiếp cận tại Syria.

Trước đó hai ngày, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết 2041 yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động thù địch trên toàn Syria trong 30 ngày, để cho phép các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ và sơ tán những người bị thương ở khu vực Đông Ghouta của Syria. Nghị quyết cũng yêu cầu chấm dứt tất cả các cuộc bao vây, bao gồm ở Đông Ghouta, Yarmouk, Foua và Kefraya.

Đổ lỗi và né tránh

Nhưng một nghị quyết của LHQ khó có thể chuyển biến được cuộc chiến phức tạp kéo dài hơn bảy năm qua tại Syria, vốn đã chứng kiến nhiều nghị quyết, lệnh ngừng bắn khác đi vào ngõ cụt. Dù tuyên bố sẽ tuân thủ nghị quyết, chính quyền Damascus cho rằng lệnh ngừng bắn không bao gồm những vùng ngoại ô của Damascus do những phần tử khủng bố thuộc Mặt trận Nusra, tổ chức từng là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, và các tổ chức khủng bố khác kiểm soát. Nga đã lên tiếng bảo vệ đồng minh Syria, khẳng định các cáo buộc Damascus tấn công phe nổi dậy, sử dụng vũ khí hóa học là nhằm phá hoại lệnh ngừng bắn. Ngược lại, Matxcơva ngày 27-2 đổ lỗi cho phe nổi dậy nã pháo vào hành lang di tản dân thường ở Đông Ghouta. Failaq al-Rahman, một trong những nhóm nổi dậy chính, phủ nhận việc ngăn người dân di tản.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nghị quyết 2041 sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự "Nhành ôliu" chống khủng bố mà Ankara đang tiến hành tại khu vực Afrin của Syria. Nước này thậm chí đã chuẩn bị lực lượng cho chiến dịch mới tại khu vực này. Tương tự, Iran với lý do chống khủng bố cũng khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Damascus.

Anh cho rằng "khoảng dừng nhân đạo" của Nga không được coi là thực thi đầy đủ nghị quyết của LHQ. Tình hình càng thêm phức tạp khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson dọa sẽ tham gia không kích Syria cùng Mỹ nếu có bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Giới phân tích phương Tây cũng cho rằng "khoảng dừng nhân đạo" hằng ngày, dù có thể là tin tốt lành cho Đông Ghouta nếu thành công, không phải là triển khai đầy đủ nghị quyết LHQ. "Không có ngày bắt đầu nào được thống nhất trong nghị quyết, thay vào đó họ dùng từ không chậm trễ" - cây bút Jeremy Bowen của BBC nhận xét. Trước đó, Nga cũng cho biết lệnh ngừng bắn của LHQ chỉ có thể được thực hiện khi tất cả các bên quyết tâm tham gia. Trong bối cảnh hiện nay, hi vọng khởi động nghị quyết này vẫn rất mong manh.

Hơn 550 dân thường thiệt mạng

Bất chấp nghị quyết của LHQ, giao tranh tại Đông Ghouta vẫn tiếp diễn ngay trong sáng 27-2. Trong 48 giờ qua, các hoạt động quân sự ở Đông Ghouta đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Như vậy, kể từ khi chiến sự bùng phát tại Đông Gouta trong hơn một tuần qua, hơn 550 người dân tại Đông Ghouta đã bị thiệt mạng và khoảng 1.500 người bị thương.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,365,816       668