Sống khỏe

Nếu phụ nữ tỏa sáng, kinh tế có tỏa sáng theo?

TTO - "Nếu phụ nữ tỏa sáng, Nhật Bản sẽ tỏa sáng theo", và thủ tướng Shinzo Abe đặt trọng tâm vào "womenomics" - chính sách phát triển kinh tế hướng đến phụ nữ.

Nếu phụ nữ tỏa sáng, kinh tế có tỏa sáng theo? - Ảnh 1.

Nội các Nhật có nhiều thành viên là nữ. Trong ảnh: Bộ trưởng bộ Nội vụ và truyền thông Nhật Bản (MIC) Seiko Noda (trái) tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản Suzan R. Chinois tháng 2-2018 - Ảnh: MIC

Khi lựa chọn có con là quyết định của phụ nữ và điều đó không nên ảnh hưởng đến việc theo đuổi sự nghiệp

Bà Jacinda Ardern (nữ thủ tướng New Zealand, người dự kiến sinh con vào tháng 6 năm nay) khẳng định việc giữ vị trí lãnh đạo không hề mâu thuẫn với các thiên chức của phụ nữ

Vào năm 1999, một trong những giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề khủng hoảng thiếu lao động do dân số già của Nhật Bản là có thêm nhiều phụ nữ tham gia thị trường lao động. 

Vào thời điểm đó, Nhật Bản có tỉ lệ phụ nữ đi làm là 57%, thấp nhất trong các nước phát triển.

Khi ông Shinzo Abe tái đắc cử thủ tướng năm 2012, ông lần đầu nhấn mạnh khái niệm "womenomics", nhằm kêu gọi sự tham gia của nhiều phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy nền kinh tế. 

Từ đó, vai trò của phụ nữ ở Nhật được nhìn nhận như một trụ cột chính trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

Ông Abe nhiều lần, nhiều dịp đã nói những lời có cánh để kêu gọi phụ nữ đi làm. Năm 2014, ông nói: "Nếu phụ nữ tỏa sáng, Nhật Bản sẽ càng tỏa sáng hơn".

Nhiều người đã lo ngại áp lực và ý chí chính trị của giới lãnh đạo hàng đầu sẽ không đem đến một sự thay đổi thực chất nào ở Nhật Bản. 

Nhưng trong vòng chưa đến 3 năm, theo Japan Times, sự tham gia của phụ nữ Nhật Bản vào thị trường lao động đã tăng trưởng nhanh chóng, lên mức 66%, vượt cả Mỹ (64%).

Một thống kê khác trên trang Japan Government của Chính phủ Nhật Bản cho thấy từ năm 2012-2016, giai đoạn gắn liền với việc triển khai chiến lược kêu gọi phụ nữ "đi làm", đã có thêm 1,5 triệu phụ nữ Nhật tham gia thị trường lao động và số phụ nữ làm các vị trí quản lý đã tăng gấp đôi.

Cũng trong thời gian đó, số tiền các tập đoàn Nhật Bản kiếm được tăng 55% và tổng GDP của Nhật Bản cũng tăng lên 9%. Cùng với đó là Nhật Bản đạt tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử.

Việc giảm tải tiến tới xóa bỏ tình trạng thiếu chỗ gửi trẻ và đảm bảo gửi trẻ với chi phí hợp lý là một trong những nguyên nhân khiến số lượng phụ nữ đi làm tăng vọt. 

Năm 2013, chính quyền đặt mục tiêu xóa bỏ tình trạng thiếu chỗ gửi trẻ. Chỉ một năm sau, các cơ sở gửi trẻ có thêm 219.000 chỗ.

Vào ngày 1-4-2016, một đạo luật khuyến khích lao động nữ ở Nhật Bản chính thức có hiệu lực. 

Luật này yêu cầu các công ty tư nhân quy mô lớn và các cơ sở nhà nước có từ 300 lao động trở lên phải công bố mục tiêu và kế hoạch hành động nhằm đảm bảo đa dạng về giới. Đây là một bước đi có ý nghĩa và tăng cường tính minh bạch trong vấn đề lao động nữ.

Theo Tổ chức Phụ nữ Liên Hiệp Quốc, phụ nữ nhận lương thấp hơn đến 23% so với nam giới và chỉ số phụ nữ tham chính trung bình là dưới 23% trên toàn cầu.

Một chiến dịch mang tên "#stoptherobbery" - tạm dịch là "ngừng cướp bóc" - vận động về vấn đề trả lương công bằng trên cơ sở giới đã được triển khai và thu được những thành công bước đầu. 

Vào tháng 3-2017, Iceland là nước đầu tiên nói không với chi trả bất công cho phụ nữ. Các công ty phải chứng minh mình trả lương bình đẳng hoặc bị phạt nặng.

Tạo điều kiện để phụ nữ làm việc

Theo các chuyên gia, cải cách về giờ làm và tạo ra nhiều sự linh động hơn về môi trường làm việc cho phép người lao động có thể làm việc từ xa, tại nhà.

Ngoài ra, cần xóa bỏ những tư duy mặc định và định kiến xã hội lâu đời, tồn tại một cách vô thức về vai trò chăm sóc con cái của phụ nữ.

Nam giới cũng nên được khuyến khích tham gia tích cực vào công việc nhà, thậm chí đảm nhiệm vai trò ông nội trợ.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,366,694       814