Sống khỏe

Vụ 245 tỉ bốc hơi: Chủ tài khoản đồng ý nhận 14,8 tỉ tạm ứng

TTO - Ngày 27-2, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) đã có buổi làm việc với bà Chu Thị Bình, người bị mất 245 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Eximbank. Bà Bình đã đồng ý nhận hơn 14,8 tỉ đồng tạm ứng từ Eximbank.

Vụ 245 tỉ bốc hơi: Chủ tài khoản đồng ý nhận 14,8 tỉ tạm ứng - Ảnh 1.

Eximbank đã đồng ý tạm ứng cho bà Bình 14,8 tỉ đồng trong tổng số 245 tỉ đồng bị bốc hơi. Trong ảnh là giao dịch tại Ngân hàng Eximbank. Ảnh: THUẬN THẮNG.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Bình cho biết Eximbank đồng ý tạm ứng cho bà hơn 14,8 tỉ đồng, là số tiền trên giấy ủy nhiệm chi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) xác định là chữ ký của chủ tài khoản lẫn người được ủy quyền đều bị làm giả. Còn những khoản khác thì sẽ chờ ra tòa. 

Cũng theo bà Bình, tại buổi làm việc, ông Lê Văn Quyết, tổng giám đốc Eximbank, giải thích Eximbank phải đưa vụ việc ra tòa vì Eximbank là công ty niêm yết nên phải tuân thủ theo phán quyết có hiệu lực pháp lý của tòa án nhằm đảm bảo quy trình xử lý khiếu nại của khách hàng.

Bà Bình cho biết tại buổi làm việc, bà không đồng ý phương án mà Eximbank đưa ra vì cho rằng Eximbank làm như vậy là trốn tránh trách nhiệm.

"Tôi vẫn giữ bản gốc sổ tiết kiệm, do vậy nếu Eximbank tuân thủ đúng quy trình thì không thể nào ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - rút được tiền từ tài khoản của tôi. Mặt khác, các sổ tiết kiệm của tôi gửi kỳ hạn từ 12 đến 15 tháng, nhưng có cuốn sổ đã bị rút tiền ngay sau thời gian rất ngắn mà phía ngân hàng không hề có ai gọi điện thông báo hay hỏi vì sao tôi rút tiền", bà Bình nói.

Đồng thời bà Bình yêu cầu Eximbank phải trả hết cho bà 245 tỉ đồng cho bà vì bà gửi tiền vào Eximbank chứ không gửi cho ông Hưng. 

"Ở đây ông Hưng không lừa đảo tôi mà lừa đảo Eximbank. Eximbank là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kết luận của cơ quan điều tra. Vì vậy Eximbank phải trả tiền cho tôi, còn nếu kiện thì ngân hàng kiện ông Hưng", bà Bình khẳng định.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Quyết cho biết cuối ngày hôm nay phía bà Bình đã liên hệ trở lại với ngân hàng và đồng ý nhận khoản tạm ứng hơn 14,8 tỉ đồng. Ngân hàng đang soạn biên bản thỏa thuận và sẽ gửi trước cho bà Bình xem. Nếu bà Bình đồng ý, ngày 1-3, hai bên sẽ ký biên bản thỏa thuận và Eximbank sẽ hoàn trả khoản tiền này cho bà Bình thông qua chuyển khoản.

Trao đổi sau đó với Tuổi Trẻ Online, bà Bình cũng xác nhận việc đồng ý nhận khoản tạm ứng này nhưng đang chờ xem trước bản thảo của biên bản thỏa thuận.

"Tôi cũng kiến nghị luôn là nếu Eximbank tạm ứng khoản hơn 14,8 tỉ đồng vì lý do chữ ký của chủ tài khoản và chữ ký của người được ủy quyền bị làm giả trên giấy ủy nhiệm chi để rút tiền thì còn một khoản 90 tỉ đồng nữa mà chữ ký cũng bị làm giả. Ngân hàng cũng nên tạm ứng cả khoản này cho tôi", bà Chu Thị Bình kiến nghị.

Nói thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Văn Quyết cho biết Eximbank không thay đổi so với trước, là phải đưa sự việc ra tòa. Việc tạm ứng hơn 14,8 tỉ đồng chỉ là hỗ trợ giải quyết ban đầu nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai bên.

Hôm nay Eximbank cũng có văn bản thông tin đến toàn thể cán bộ - công nhân viên ngân hàng chi tiết vụ việc nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM Lê Nguyễn Hưng lập giấy tờ giả chiếm đoạt hơn 245 tỉ tiền tiết kiệm của bà Chu Thị Bình.

Nội dung văn bản mà lãnh đạo Eximbank gửi đến cán bộ công nhân viên thể hiện vụ việc xảy ra từ năm 2014 và kéo dài nhiều năm với nhiều tình tiết phức tạp chưa được làm rõ.

Theo Eximbank, văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công An (C44) xác định trong các chứng từ liên quan đến các giao dịch của bà Bình có những chứng từ do bà ký và có cả những chứng từ không do bà ký.

Do vụ việc phức tạp và nằm ngoài tầm xử lý nội bộ nên ban lãnh đạo Eximbank đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C44) điều tra toàn diện vụ việc, xử lý các sai phạm theo quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Theo Eximbank, Thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa phải là ràng buộc pháp lý về quyền lợi và trách nhiệm của các bên theo quy định của pháp luật. Nên ban lãnh đạo Eximbank không thể giải quyết vụ việc mà chỉ dựa trên kết luận này. Hai bên cần sớm phối hợp đưa vụ việc ra tòa theo đúng trình tự tố tụng.

Tuổi trẻ

      © 2021 FAP
        1,367,666       788